
Hướng dẫn phân tích doanh nghiệp
Để nối tiếp chuỗi bài về chủ đề đầu tư (đặc biệt là phương pháp Đầu tư giá trị), tôi sẽ chia sẻ lại hướng tiếp cận mà tôi thường xuyên sử dụng để lựa chọn những doanh nghiệp có nền tảng tốt.
Đối với tôi, một doanh nghiệp tốt là một doanh nghiệp phải đáp ứng được 3 yêu cầu sau:
Mô hình kinh doanh của doanh nghiệp phải đem lại được lợi nhuận
Doanh nghiệp phải có sức khỏe tài chính tốt để thực hiện được các kế hoạch kinh doanh
Lợi nhuận của doanh nghiệp phải thuộc về cổ đông (đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ)
Và để lọc được ra những doanh nghiệp thỏa mãn 3 yêu cầu trên, tôi sẽ sử dụng 5 tiêu chí dưới đây để đánh giá một doanh nghiệp:
"Ý nghĩa của 5 tiêu chí trên là để loại bỏ các cổ phiếu rác. Khi lọc được hết những cổ phiếu rác, danh mục còn lại sẽ chỉ gồm những cổ phiếu an toàn và đáng để xem xét đầu tư. Nếu phân tích của chúng ta đúng, những cổ phiếu này sẽ mang lại lợi nhuận bền vững. Còn nếu sai, mức giảm giá của chúng thường không đáng kể, không lao dốc mạnh như các cổ phiếu kém chất lượng. Điều quan trọng là kiểm soát rủi ro ngay từ khâu chọn lọc, thay vì chạy theo những kỳ vọng ảo của cổ phiếu kém chất lượng."
Giờ thì hãy đi sâu vào từng tiêu chí một!
1, Mô hình kinh doanh & triển vọng tương lai
Bản chất của đầu tư là mua tương lai của doanh nghiệp. Tức là khi chúng ta đem tiền đầu tư vào một doanh nghiệp, chúng ta kỳ vọng rằng doanh nghiệp đó trong tương lai sẽ làm ăn tốt và kiếm ra lợi nhuận cho chúng ta.
Vậy làm thế nào để xác định được một doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tốt và kiếm được lợi nhuận? - Để trả lời câu hỏi này, có 2 khía cạnh mà chúng ta cần phải đánh giá:
Đánh giá quá khứ hoạt động của doanh nghiệp thông qua việc đọc Kết quả kinh doanh trong báo cáo tài chính định kỳ
Dự đoán triển vọng tương lai bằng việc Phân tích ngành và Phân tích doanh nghiệp
a, Kết quả kinh doanh
Ý nghĩa của việc đọc báo cáo tài chính là để hiểu về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong quá khứ và hiện tại. Và từ những dữ liệu đó chúng ta sẽ có thể một phần dự đoán được tương lai của doanh nghiệp.
Một doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tốt là một doanh nghiệp mà Doanh thu và Lợi nhuận trong hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi phải tăng trưởng đều. Chúng ta có thể kiểm tra những yếu tố này bằng cách xem:
Kết quả kinh doanh những năm gần nhất
Kết quả kinh doanh các quý gần nhất
Biên lợi nhuận trung bình
Mỗi ngành nghề, mỗi doanh nghiệp sẽ có những mô hình kinh doanh và câu chuyện khác nhau nên không có một mô hình đánh giá chung nào để áp dụng cho toàn bộ doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một điểm chung mà chúng ta cần phải lưu tâm, đó là doanh thu và lợi nhuận phải thực sự đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.
***
Ví dụ với kết quả kinh doanh dưới đây, chúng ta có thể thấy rằng lợi nhuận Q3-2024 tăng đột biến nhưng lại đến từ một khoản thu không thuộc hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp. Nếu lấy doanh thu hay tổng lợi nhuận trừ đi thu nhập khác thì chúng ta còn có thể thấy rằng lợi nhuận từ hoạt động lõi của doanh nghiệp (lợi nhuận gộp) trong Q3 thậm chí còn thấp hơn so với Q2.

Còn đây là ví dụ về một doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng nhờ hoạt động kinh doanh lõi, doanh thu thuần và lợi nhuận gộp đều tăng. Các khoản chi phí và doanh thu khác đều ở mức rất thấp và không biến động nhiều.

Các bạn có thể xem thêm nhiều ví dụ khác ở các bài phân tích doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của tôi.
b, Phân tích ngành
Sau khi phân tích kết quả kinh doanh và biết được doanh nghiệp kinh doanh thực sự hiệu quả và đem lại lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, chúng ta sẽ phải trả lời câu hỏi tiếp theo:
Liệu doanh nghiệp có tiếp tục duy trì được việc kiếm lợi nhuận trong tương lai không?
Để trả lời câu hỏi trên, tôi thường phân tích theo hướng "top-down" - tức là bắt đầu từ bức tranh kinh tế vĩ mô rộng lớn, sau đó dần thu hẹp phạm vi xuống các ngành, lĩnh vực và cuối cùng là các công ty cụ thể để đưa ra quyết định đầu tư.
Thông thường, nếu một ngành được vĩ mô ủng hộ và có xu hướng phát triển trong tương lai thì các doanh nghiệp hoạt động trong ngành đó sẽ có xu hướng hoạt động tốt. Do đó, bên cạnh việc tìm hiểu về doanh nghiệp, hãy luôn cập nhật thông tin về các ngành/lĩnh vực khác nhau, bao gồm:
Xu hướng tương lai của từng ngành, lĩnh vực khác nhau (Có được vĩ mô ủng hộ hay không?)
Lợi thế và đặc điểm của mỗi ngành, lĩnh vực (Phát triển bền vững hay không? Có chu kỳ không?)
Để có thêm insight về xu hướng ngành/lĩnh vực trong tương lai thì tôi có một số gợi ý sau:
Nắm bắt tin tức chuyển động xã hội hàng ngày
Để ý những thay đổi trong xã hội xung quanh mình (VD đi mua sắm thì xu hướng mọi người hay mua sắm gì, cái gì đang hot, cái gì rẻ đi, cái gì đắt lên,...) - rất nhiều ý tưởng đầu tư xuất phát từ việc để ý xã hội vận động xung quanh hàng ngày.
Tham khảo các bài phân tích của những bên nghiên cứu chất lượng. Youtube, tạp chí Forbes,... cũng là những nơi tôi hay tìm kiếm insight.

Tôi hay xem giá hàng hóa và dự báo ở trên Trading Economy.

Báo cáo ngành của FPTS cũng là những báo cáo rất chất lượng mà chúng ta có thể tham khảo để có thêm insight.
c, Phân tích doanh nghiệp
Một khi đã xác định được doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tốt và hoạt động trong một ngành được vĩ mô ủng hộ, chúng ta sẽ cần phân tích thêm về triển vọng tương lai của doanh nghiệp thông qua 2 khía cạnh:
Điểm mạnh của doanh nghiệp (Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp)
Điểm cần lưu ý (Những rủi ro mà doanh nghiệp có thể sẽ gặp phải)
Việc phân tích triển vọng tương lai của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm và góc nhìn của người phân tích. Càng có nhiều kiến thức về ngành nghề mà doanh nghiệp hoạt động thì chúng ta sẽ càng nhạy bén và chính xác hơn trong việc phân tích doanh nghiệp.
Với những ai chưa có nhiều kinh nghiệm, việc phân tích ban đầu có thể gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, để giúp quá trình này trở nên dễ dàng hơn, tôi có một vài gợi ý về những dạng doanh nghiệp mà chúng ta có thể xem xét:
Doanh nghiệp sở hữu tài sản dở dang sắp đưa vào khai thác - Đây là những doanh nghiệp có tiềm năng gia tăng doanh thu và lợi nhuận cốt lõi nhờ việc đưa thêm tài sản vào sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, những doanh nghiệp có tài sản sắp vận hành trong vòng 6 tháng đến 1 năm thường đáng chú ý. Ngược lại, nếu thời gian tài sản dở dang được đưa vào khai thác kéo dài hơn 2 năm, cần cân nhắc kỹ vì chưa thể xác định chính xác thời điểm tài sản mới đi vào hoạt động.
Doanh nghiệp hưởng lợi từ chính sách vĩ mô - Đây là nhóm doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng mạnh nhờ được hỗ trợ từ các chính sách kinh tế vĩ mô. Khi chính sách thuận lợi tác động tích cực đến ngành nghề kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp có thể bứt phá trong tương lai.
Doanh nghiệp phục hồi sau giai đoạn suy thoái hoặc đáy chu kỳ - Đây là những doanh nghiệp vận hành theo chu kỳ kinh tế hoặc chu kỳ giá hàng hóa. Khi nền kinh tế hoặc thị trường hàng hóa bước qua giai đoạn suy thoái, khả năng cao doanh nghiệp cũng đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất. Nhờ đó, doanh thu và lợi nhuận ròng có thể cải thiện khi nền kinh tế hoặc giá hàng hóa bước vào giai đoạn tăng trưởng.
Doanh nghiệp tái cơ cấu mô hình kinh doanh thành công - Đây là những doanh nghiệp trước đây hoạt động kém hiệu quả hoặc chỉ duy trì mức ổn định mà không có tăng trưởng. Tuy nhiên, nhờ sự thay đổi trong chiến lược quản trị và mô hình kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận cốt lõi đã có sự cải thiện rõ rệt trong hai quý gần nhất, mở ra triển vọng phát triển bền vững.
Mỗi doanh nghiệp đều có một câu chuyện khác nhau nên để lấy ví dụ cho phần này là rất khó, các bạn có thể tham khảo các góc nhìn của tôi trong danh mục đầu tư của tôi.
2, Sức khỏe tài chính
Có rất nhiều doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tốt nhưng cấu trúc tài chính quá yếu (nợ nhiều chẳng hạn). Cho nên, khi một sự kiện "thiên nga đen" xảy ra (như Covid-19), doanh nghiệp không thể phòng thủ trước những rủi ro bất ngờ và rơi vào tình trạng khó khăn khi không đủ nguồn lực tài chính để duy trì mô hình kinh doanh qua thời kỳ khủng hoảng.
Do vậy, một doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tốt là một điểm cộng, tuy nhiên doanh nghiệp đó có nguồn lực để tiếp tục duy trì mô hình kinh doanh đó trong tương lai không thì lại là một câu hỏi chúng ta cần phải giải đáp.
a, Dấu hiệu một doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt
Dưới đây là các đặc điểm của một doanh nghiệp có cơ cấu sức khỏe tài chính tốt và có đủ nguồn lực để thực hiện được các kế hoạch kinh doanh:
Tiền mặt (thông thường bao gồm Tiền, Các khoản tương đương tiền và Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn) cân đối với nợ
Nợ ít hoặc là nợ đang giảm dần theo một tốc độ nhanh
Hàng tồn kho và Khoản phải thu không tăng lên mạnh một cách đột biến
Khoản phải thu và Khoản phải trả ở một tỷ lệ cân đối
***
Ví dụ dưới đây là một doanh nghiệp có cơ cấu tài sản tốt:

Tiền và Tài sản tương đương tiền (bao gồm các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là tiền gửi ngân hàng) đều ở mức cao
Khoản phải thu thấp và duy trì đều, không bị tăng lên (thể hiện mô hình kinh doanh ổn định)
Hàng tồn kho thấp (chứng tỏ đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp được tiêu thụ tốt)
Tài sản cố định giảm dần do doanh nghiệp thừa tiền để khấu hao đều đặn
Tài sản dở dang đang có chứng tỏ doanh nghiệp có nhà máy đang xây và chuẩn bị đưa vào hoạt động → Có tiềm năng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong tương lai

Tiếp đến phần nguồn vốn thì chúng ta có thể thấy rằng:
Nợ ngắn hạn ở mức rất thấp so với tiền (ở mục tài sản chúng ta đã xem ở phía trên)
Nợ dài hạn cũng ở mức rất thấp so với tiền (ở mục tài sản chúng ta đã xem ở phía trên)
Khoản phải trả cân đối với khoản phải thu (chứng tỏ doanh nghiệp chiếm dụng được vốn của nhà cung cấp)
b, Dấu hiệu của một doanh nghiệp có sức khỏe tài chính kém
Ở trên tôi đã viết ra những đặc điểm của một doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt. Chúng ta chỉ cần đảo ngược những đặc điểm ở trên là có thể biết được một doanh nghiệp có cơ cấu tài chính yếu:
Lượng tiền mặt của doanh nghiệp ở mức quá thấp so với nợ vay
Nợ vay lớn hơn Tiền mặt rất nhiều lần và có xu hướng tăng mạnh (Tỷ lệ Nợ/Tiền > 2)
Khoản phải thu tăng mạnh bất thường (chứng tỏ doanh nghiệp đang không thu được tiền từ khách hàng về)
Hàng tồn kho tăng mạnh bất thường (chứng tỏ doanh nghiệp đang không bán được hàng)
Nếu một doanh nghiệp có từ 2 hoặc nhiều hơn các đặc điểm đã được đề cập ở trên thì chúng ta cần phải đánh giá một cách cẩn trọng doanh nghiệp đó (mà theo tôi là tốt nhất là chỉ nên quan sát chứ không nên đầu tư vào những doanh nghiệp như vậy).
***
Ví dụ dưới đây là một doanh nghiệp có cơ cấu tài sản kém:

Tiền và Tài sản tương đương tiền (bao gồm các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là tiền gửi ngân hàng) đều ở mức thấp so với nợ (ảnh dưới)
Khoản phải thu tăng lên rất mạnh trong vài năm (thể hiện doanh nghiệp bị chiếm dụng vốn, không thu được tiền về)
Hàng tồn kho tăng mạnh (đây không thực sự là một rủi ro, nhưng khi hàng tồn kho và khoản phải thu cùng tăng mạnh chứng tỏ đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp không tiêu thụ được)

Tiếp đến phần nguồn vốn thì chúng ta có thể thấy rằng:
Nợ ngắn hạn ở mức rất cao so với tiền (ở mục tài sản chúng ta đã xem ở phía trên)
Nợ dài hạn cũng ở mức rất cao so với tiền (ở mục tài sản chúng ta đã xem ở phía trên)
Khoản phải trả không hề cân đối với khoản phải thu
***
Ví dụ khác cho thấy doanh nghiệp có cơ cấu tài chính rủi ro mà chúng ta cần phải tránh:

Lượng tiền mặt doanh nghiệp ít và đang giảm nhanh
Nợ ở mức rất cao so với tiền và đang tăng rất mạnh
Khoản phải thu đang tăng rất mạnh
Những doanh nghiệp có cơ cấu tài chính yếu dễ rơi vào tình trạng nguy hiểm chỉ với một biến cố bất lợi trong hoạt động kinh doanh. Do đó, tốt nhất là nên tránh xa những doanh nghiệp này bất kể mô hình kinh doanh của doanh nghiệp có vẻ hấp dẫn và mang lại lợi nhuận tốt. Hãy kiên nhẫn quan sát và chỉ cân nhắc đầu tư khi tình hình tài chính của doanh nghiệp cải thiện. Khi đó, dù lợi nhuận có thể không cao bằng việc đầu tư từ sớm, nhưng bù lại, rủi ro sẽ giảm đi đáng kể, giúp khoản đầu tư trở nên an toàn và bền vững hơn.
3, Cơ cấu cổ đông và ban lãnh đạo
Đây là tiêu chí quan trọng nhất cần phải xem xét khi đầu tư vào một doanh nghiệp. Vì chúng ta đa số là nhà đầu tư nhỏ lẻ - tức là thành phần yếu ớt nhất trên thị trường tài chính nên chúng ta cần phải đặc biệt lưu ý tiêu chí này.
Cổ đông lớn hay nhỏ thì đều là chủ của doanh nghiệp - có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia. Chúng ta không thể đầu tư vào một doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tốt, kiếm ra được rất nhiều lợi nhuận nhưng không một đồng lợi nhuận nào được chia cho chúng ta mà lại vào hết túi của một nhóm nhỏ ban lãnh đạo tham lam cả. Đấy là chưa nói đến nhiều ban lãnh đạo "đểu" đến mức khi doanh nghiệp gặp khó khăn thì lại đẩy phần lớn rủi ro cho số đông cổ đông nhỏ lẻ chịu hậu quả.
Trong tất cả những tiêu chí để đánh giá một doanh nghiệp thì lòng người là thứ khó đánh giá nhất. Sông có khúc, người có lúc - không có bất cứ một phương pháp nào đánh giá được toàn diện đạo đức ban lãnh đạo, tuy nhiên dưới đây là một số đặc điểm để chúng ta có thể một phần nào đó dự đoán được cách hành xử của ban lãnh đạo.
a, Tính đối trọng trong cơ cấu cổ đông
Một doanh nghiệp mà cơ cấu cổ đông có tính đối trọng (tức là không có một nhóm cá nhân nào kiểm soát hoàn toàn) thì doanh nghiệp đó sẽ có sự cân bằng quyền lực nội bộ. Nhờ đó, các quyết định và hành động của ban lãnh đạo sẽ minh bạch hơn, có trách nhiệm hơn và hài hòa lợi ích của tất cả các bên.
Dưới đây là một số đặc điểm của một cơ cấu cổ đông mang tính đối trọng:
Có 2-5 nhóm cổ đông lớn độc lập
Cổ đông lớn là nhà nước là một điểm cộng lớn - mặc dù phong cách làm việc của nhà nước sẽ hơi chậm trễ, không quá tham vọng nhưng lại bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ cực tốt khi luôn yêu cầu doanh nghiệp chia cổ tức bằng tiền.
Cổ đông lớn là khách hàng/nhà cung cấp/đối tác của chính doanh nghiệp
Nếu doanh nghiệp có tất cả những yếu tố trên thì sẽ được coi là một cơ cấu cổ đông hoàn mỹ, việc quản trị doanh nghiệp sẽ hiệu quả và giảm thiểu tối đa rủi ro về đạo đức cũng như là sự lạm quyền của ban lãnh đạo.
***
Ví dụ dưới đây là một cơ cấu cổ đông có tính đối trọng:

Có trên 2 nhóm cổ đông lớn độc lập
Có cổ đông lớn là nhà nước - bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ bằng cách luôn yêu cầu doanh nghiệp chia cổ tức bằng tiền.
Cổ đông lớn nước ngoài chính là khách hàng của doanh nghiệp
Ví dụ dưới đây thì là một cơ cấu cổ đông chưa có tính đối trọng:

Đối với những cơ cấu cổ đông một bên nắm đa số như thế này, chúng ta phải đánh giá thêm nhóm cổ đông lớn duy nhất kiểm soát hoàn toàn doanh nghiệp kia có thực sự hài hòa lợi ích với cổ đông nhỏ lẻ hay không.
b, Quá khứ hoạt động của ban lãnh đạo
Một khía cạnh khác để đánh giá ban lãnh đạo là quan sát những gì ban lãnh đạo đã làm trong quá khứ và kỳ vọng rằng họ sẽ tiếp tục làm điều đó trong tương lai.
Ví dụ một ban lãnh đạo hài hòa lợi ích với cổ đông nhỏ lẻ bằng cách trong nhiều năm liền chia hết lợi nhuận cho cổ đông thì chúng ta có đặt niềm tin rằng ban lãnh đạo sẽ tiếp tục chia cổ tức tiền một cách đều đặn cho cổ đông nếu doanh nghiệp vẫn làm ra lợi nhuận trong tương lai.
Dưới đây là một ví dụ kiểu đó, mặc dù doanh nghiệp không có cơ cấu cổ đông mang tính đối trọng vì chỉ có một nhóm cổ đông lớn kiểm soát. Tuy nhiên, trong suốt nhiều năm liền doanh nghiệp vẫn chia cổ tức bằng tiền đều đặn cho toàn bộ cổ đông chứ không có dấu hiệu chiếm dụng vốn. Điều này cho phép chúng ta tin tưởng rằng ban lãnh đạo hài hòa lợi ích với cổ đông nhỏ lẻ.

Ngoài ra, chúng ta nên đọc các biên bản họp Báo cáo thường niên, Báo cáo quản trị, Nghị quyết hội đồng quản trị và Báo cáo tài chính định kỳ để hiểu về tham vọng, động lực và đặc biệt là hành động của ban lãnh đạo.

Nếu ban lãnh đạo nói ít làm nhiều, luôn đặt ra kế hoạch kinh doanh (tất nhiên là nên tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận) phù hợp với thực tế của doanh nghiệp và đạt được xấp xỉ con số đã đề ra (90% ~ 120%) trong một khoảng thời gian dài thì đó là một ban lãnh đạo thực sự có năng lực.
c, Khi nào chúng ta được phép xem nhẹ tiêu chí ban lãnh đạo?
Tiêu chí này chỉ có thể được xem nhẹ khi chúng ta sở hữu đủ vốn để nắm quyền kiểm soát và chi phối các quyết định của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Ngược lại, nếu vẫn chỉ là cổ đông nhỏ lẻ và không có sức ảnh hưởng lên các quyết định của ban lãnh đạo, đây là tiêu chí chúng ta không được phép bỏ qua.
4, Chính sách phân phối lợi nhuận
Hãy luôn ghi nhớ một điều quan trọng như sau:
"Một doanh nghiệp chi trả cổ tức bằng tiền thì lợi nhuận của doanh nghiệp mới thực sự thuộc về cổ đông."
Như đã nói ở phần trước, khi chúng ta là cổ đông của một doanh nghiệp, tức là chúng ta làm chủ của doanh nghiệp đó. Điều đó đồng nghĩa với việc lợi nhuận mà doanh nghiệp làm ra sẽ phải thuộc về chúng ta.
Một doanh nghiệp đáng để đầu tư là một doanh nghiệp có chính sách phân phối lợi nhuận hợp lý và quan trọng nhất là sau cùng, bất kể như thế nào đi chăng nữa thì lợi nhuận phải được trả cho cổ đông - những người là chủ của doanh nghiệp.
Do đó, hãy đừng quên đọc mục phân phối lợi nhuận trong Nghị quyết của hội đồng quản trị (thường nằm trong Tài liệu họp đại hội cổ đông thường niên) để xem ban lãnh đạo doanh nghiệp có cam kết hành động vì lợi ích cổ đông hay không.
Các điểm cần lưu ý trong chính sách phân phối lợi nhuận bao gồm:
Quỹ khen thưởng phúc lợi (bao gồm các khoản thưởng BLĐ và HĐQT) - Đây là khoản lợi nhuận không thuộc về cổ đông, hãy dè chừng những doanh nghiệp chia khen thưởng phúc lợi >10% (tức là 10% số tiền lợi nhuận sau thuế thuộc về nhóm nhỏ ban lãnh đạo và hội đồng quản trị chứ không được chia cho toàn bộ cổ đông).
Chính sách ESOP - Có nhiều hình thức ESOP khác nhau tuy vậy tất cả đều có một điểm chung là ESOP chỉ có lợi cho người trong nội bộ doanh nghiệp, không có lợi cho cổ đông. Nó làm pha loãng cổ phiếu và giảm tỷ lệ sở hữu của các cổ đông hiện hữu. Tôi thực sự rất ác cảm đối với ESOP, nên tôi chỉ chấp nhận tỉ lệ ESOP tối đa là dưới 3%.
Quỹ đầu tư phát triển - Đây là phần lợi nhuận được giữ lại để công ty tiếp tục phát triển kinh doanh. Mặc dù số tiền này không được chia cho cổ đông nhưng việc giữ lại để phát triển kinh doanh cũng gián tiếp đem lại lợi ích cho cổ đông nếu nguồn vốn này được doanh nghiệp sử dụng hiệu quả và gia tăng lợi nhuận trong tương lai.
Cổ tức (ưu tiên tiền mặt) - Đây là phần tiền lợi nhuận được chia cho cổ đông. Cổ tức có rất nhiều dạng chia nhưng tôi luôn thích việc doanh nghiệp chia cổ tức tiền mặt vì khi đó lợi nhuận mới thực sự thuộc về cổ đông.
***
Dưới đây là một ví dụ cho thấy lợi nhuận của doanh nghiệp được phân phối tương đối hợp lý:

Doanh nghiệp đạt lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch đề ra
Quỹ khen thưởng phúc lợi tổng cộng là 18% (hơi cao nhưng do BLĐ hoạt động tốt và hài hòa lợi ích cổ đông nên có thể châm trước)
Quỹ đầu tư phát triển là 10%
Cổ tức bằng tiền là 80% (do cộng 1 chút lợi nhuận chưa chia từ đợt trước)
5, Định giá doanh nghiệp
Sau khi đã lựa chọn được doanh nghiệp đáp ứng với các tiêu chí ở những phần trước thì công việc cuối cùng chúng ta cần phải làm là xác định thời điểm để vào vị thế đầu tư.
Vậy khi nào thì chúng ta có thể đầu tư vào doanh nghiệp? - Theo tôi, chúng ta có thể bắt đầu đầu tư vào doanh nghiệp khi vốn hóa của doanh nghiệp rẻ hơn giá trị thực từ 20% trở lên.
Để xác định được giá trị thực của doanh nghiệp thì chúng ta sẽ phải thực hiện định giá doanh nghiệp. Có rất nhiều phương pháp định giá doanh nghiệp khác nhau và sử dụng phương pháp định giá nào thì lại phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà chúng ta định giá (cái này thì mọi người tự tìm hiểu thêm nhé, trên mạng có hướng dẫn nhiều lắm):
Đối với doanh nghiệp có nhiều tài sản hữu hình (bất động sản, mỏ đá, mỏ khoáng sản,...) thì sử dụng các phương pháp định giá theo tài sản (RNAV).
Đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có dòng tiền ổn định thì có thể sử dụng các phương pháp định giá so sánh (P/E, P/B, EV/EBITDA) hoặc là các phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền (DCF).
Chúng ta cũng có thể kết hợp nhiều phương pháp định giá và tính tỷ trọng các phương pháp định giá để ra định giá cuối cùng.
Mặc dù có rất nhiều phương pháp định giá khác nhau nhưng tôi chỉ thường hay dùng P/E foward để định giá doanh nghiệp, các bước cụ thể như sau:
Dự phóng lợi nhuận sau thuế trong vòng 1-3 năm tiếp theo = Phân tích doanh nghiệp
Tính lợi nhuận thực sự thuộc về cổ đông = Lợi nhuận đã dự phóng (1) - Khen thưởng phúc lợi
Chiết khấu lợi nhuận thuộc về cổ đông trong tương lai (2) về hiện tại (đọc thêm về chiết khấu)
Đánh giá P/E foward của doanh nghiệp (chỉ số này phụ thuộc từng ngành/doanh nghiệp)
Lấy P/E foward (4) nhân với lợi nhuận thuộc về cổ đông đã chiết khấu (3) để ra giá trị thực
***
Ví dụ dưới đây là cách mà tôi định giá một doanh nghiệp phù hợp với tất cả các tiêu chí của mình (triển vọng tương lai ổn định, sức khỏe tài chính tốt, cơ cấu cổ đông tốt):

Kết quả kinh doanh năm

Kết quả kinh doanh quý
Đây là một doanh nghiệp có lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh khá đều đặn và tăng trưởng nhẹ. Dựa trên các báo cáo tài chính cùng với những phân tích của mình, tôi dự phóng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp trong vòng 3 năm tới sẽ rơi vào khoảng 40 tỷ/quý, tức là 150-170 tỷ/năm.
Theo nghị quyết hội đồng quản trị về việc phân phối lợi nhuận sau thuế thì 10% lợi nhuận sau thuế (tức là khoảng ~15 tỷ) dùng cho khen thưởng phúc lợi. Do đây là phần tiền không thuộc về cổ đông nên tôi sẽ trừ đi khỏi dự phóng lợi nhuận, như vậy số tiền thực sự thuộc về cổ đông là khoảng 130-150 tỷ/năm (= LNST dự phóng - Khen thưởng phúc lợi). Chiết khấu số tiền trong tương lai này về hiện tại sẽ là khoảng 115-135 tỷ/năm.
Doanh nghiệp làm trong một ngành an toàn, tăng trưởng nhẹ dưới 7%/năm nên tôi sẽ để P/E foward của doanh nghiệp này là 9-10. Như vậy giá trị thực của doanh nghiệp này sẽ nằm trong khoảng 1,150-1,350 tỷ (= LNST thuộc về cổ đông đã chiết khấu * P/E forward).
Với giá trị thực của doanh nghiệp đã tính ở trên, nếu doanh nghiệp có vốn hóa bé hơn 1,050 tỷ (≤80% * Giá trị thực doanh nghiệp) thì chúng ta có thể bắt đầu đầu tư vào doanh nghiệp này. Khi nào vốn hóa của doanh nghiệp tiến gần đến với giá trị thực là 1,300 tỷ thì chúng ta sẽ giảm dần tỷ trọng (xem lại bài viết về Đầu tư giá trị để hiểu chiến lược này).
Các bạn có thể xem thêm nhiều ví dụ khác về định giá doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của tôi.
Bottom lines
Phân tích doanh nghiệp trước khi đầu tư là một bước quan trọng giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định sáng suốt và giảm thiểu rủi ro. Qua bài viết này, tôi đã viết lại năm tiêu chí quan trọng mà tôi thường xuyên sử dụng để đánh giá và phân tích doanh nghiệp:
Phân tích kết quả kinh doanh và triển vọng tương lai giúp đánh giá tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp.
Phân tích sức khỏe tài chính đảm bảo doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững chắc để duy trì hoạt động và mở rộng trong dài hạn.
Phân tích cơ cấu cổ đông và đạo đức ban lãnh đạo giúp xác định liệu doanh nghiệp có đội ngũ quản lý minh bạch, có tầm nhìn và đặt lợi ích cổ đông lên hàng đầu hay không.
Phân tích chính sách phân phối lợi nhuận cho thấy cách doanh nghiệp cân bằng giữa việc tái đầu tư để phát triển và trả lợi nhuận cho cổ đông.
Định giá doanh nghiệp là bước cuối cùng để đánh giá mức giá cổ phiếu hiện tại có hợp lý so với giá trị thực hay không.
Bằng cách kết hợp các phương pháp phân tích trên, chúng ta có thể có một góc nhìn toàn diện hơn về doanh nghiệp, từ đó đưa ra quyết định đầu tư hợp lý và hiệu quả hơn. Mặc dù không có công thức chung nào đảm bảo thành công tuyệt đối, nhưng việc trang bị đầy đủ kiến thức và có một phương pháp đánh giá bài bản sẽ giúp chúng ta gia tăng cơ hội đạt được lợi nhuận bền vững trên thị trường chứng khoán.
Chúc các bạn đầu tư thành công 🎉
Kim,
16/03/2025