kimpa.xyz

Tôn giáo và tín ngưỡng (phần 2)

Để tiếp nối phần 1 thì trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ thêm về những tín ngưỡng và thông điệp khác, bao gồm:

Chủ nghĩa khắc kỷ

Ở phần trước, chúng ta đã tìm hiểu một số quan điểm trái chiều giữa các tôn giáo phương Đông. Trong phần này chúng ta sẽ có thêm góc nhìn mới từ một chủ nghĩa đã được phát triển từ rất lâu đời: Chủ nghĩa khắc kỷ ở Hy Lạp.

Chủ nghĩa khắc kỷ được tạo ra bởi Zeno of Citium vào khoảng 300 năm TCN với suy nghĩ cho rằng chúng ta nên sống một cuộc sống tinh thần đặc trưng bởi 4 thứ:

Ngoài 4 đặc tính đặc trưng thì theo giáo sư Massimo Pigliucci, Chủ nghĩa khắc kỷ còn đề cập đến một quan điểm tương đương như trong quan điểm của Aristote đó là họ phải công nhận rằng một số thứ họ không kiểm soát được (biến số hoàn cảnh). Để có thể bình tĩnh đối phó với những hoàn cảnh khó khăn, những người theo Chủ nghĩa khắc kỷ đã cố gắng phát triển "một trạng thái yên tĩnh" (Ataraxia – a state of tranquility).

Họ phân những điều mà họ không thể điều khiển thành 2 loại:

Lấy một ví dụ về tài sản: Giàu có thì từ trước đến nay luôn luôn là thứ mà ai cũng ưa thích, còn nghèo hèn thì ngược lại. Tuy nhiên, Chủ nghĩa khắc kỷ chỉ ra rằng số lượng tài sản mà bạn sở hữu không ảnh hưởng đến các đức tính đạo đức của bạn. Một người giàu có nhiều tiền có thể là người tốt nhưng cũng có thể là người xấu. Vì vậy, tài sản chỉ là một thứ trung lập và nó không hề tác động một tý tẹo tèo teo nào đến việc bạn có là người tốt hay không.

Những người theo chủ nghĩa khắc kỷ đã sử dụng "tính chất trung lập" (như tài sản ở ví dụ trên) để loại bỏ những cảm xúc tiêu cực. Nếu một ai đó sỉ nhục bạn, thay vì tức giận thì hãy nghĩ về lời chỉ trích đó: Lời chỉ trích đó có phần nào phản ánh đúng không? Nếu có thì người sỉ nhục bạn đã cho bạn một cơ hội để bạn thay đổi bản thân, còn nếu không thì bạn đâu cần phải quan tâm lời sỉ nhục đó, phải không?

Chủ nghĩa khắc kỉ dạy cho ta sử dụng "cái đầu lạnh" khi đối mặt với những thứ đem lại cảm xúc tiêu cực nhưng không phải vì thế mà chúng ta trở nên vô cảm với mọi thứ xung quanh. Nó chỉ đơn giản là giúp chúng ta có được nhiều cảm xúc tích cực nhất có thể mà thôi.

Thông điệp quan trọng: Chủ nghĩa khắc kỷ giúp chúng ta giữ "một cái đầu lạnh" khi ứng phó với những cảm xúc tiêu cực.

Chủ nghĩa Epicurus

Ngược lại với tư tưởng loại bỏ cảm xúc của Chủ nghĩa khắc kỷ, Chủ nghĩa Epicurus nhấn mạnh vào cảm xúc và các tư tưởng của chủ nghĩa này đều xoay quanh định nghĩa cơ bản về sự hạnh phúc.

Chủ nghĩa Epicurus cho rằng bản chất tự nhiên của con người là phấn đấu để hạnh phúc. Điều đó có thể dễ dàng nhận thấy ngay khi chúng ta còn nhỏ, chúng ta đã cố gắng tránh những sự đau đớn (ngã, đói,...) và đi tìm hạnh phúc (bên hơi ấm gia đình, ăn no mặc ấm,...).

Hơn thế, mặc dù Chủ nghĩa Epicurus không đề cập về bất cứ đạo đức sống nào cả nhưng nó cho ta một cái nhìn rằng: Sự hạnh phúc có thể được tính toán và việc cân nhắc lựa chọn sẽ giúp bạn có được hạnh phúc trong dài hạn.

Ứng vào cuộc sống, một sinh viên đại học sẽ phải cân nhắc những lựa chọn về hạnh phúc. Anh chàng sinh viên đó có thể:

Tất cả những sự lựa chọn về hạnh phúc đó đều nằm trong tay bạn. Vấn đề là bạn muốn hướng cuộc đời của mình đi đến đâu mà thôi.

Thông điệp quan trọng: Chủ nghĩa Epicurus cho chúng ta cái nhìn về việc cân nhắc lựa chọn hi sinh những hạnh phúc trong ngắn hạn để có được những hạnh phúc trong dài hạn.

Ấn Độ giáo

Suốt chặng đường tìm hiểu chúng ta chưa bắt gặp một vị thần nào cả (ngoại trừ Phật). Và đương nhiên nếu nói về tôn giáo và những triết lý thì không thể nào bỏ qua những tôn giáo hữu thần - những tín ngưỡng cho ta rất nhiều quan điểm hay về việc sống một cuộc sống tốt đẹp.

Mặc dù Ấn Độ giáo tôn thờ rất nhiều vị thần tuy nhiên về cơ bản, quan điểm về thế giới của Ấn Độ giáo được gói gọn trong khái niệm nghiệp (karma) - tức là mọi điều tốt đẹp hay xấu xa đều sẽ xảy ra phụ thuộc vào bạn và những hành động của bạn trong quá khứ.

Giáo sư Deepak Sarma cho rằng niềm tin vào nghiệp lan tỏa khắp các nhánh của Ấn Độ giáo. Và đi cùng với đó là khái niệm về sự bất tử (sau khi bạn chết, bạn sẽ được tái sinh trong 1 cơ thể khác - hay ta còn gọi là đầu thai).

Trong suốt cuộc đời của bạn, bạn tích lũy cả nghiệp tốt lẫn nghiệp xấu dựa theo những gì bạn đã làm và sự tích lũy nghiệp đó sẽ được thể hiện ở 2 thứ:

Chính vì vậy những người theo Ấn Độ giáo sẽ nói rằng bạn gặp may hay gặp xui đều là nghiệp quả. Trên hết, phá vỡ vòng lặp sinh ra - chết - tái sinh chính là mục tiêu tối thượng của con người. Và để đạt được điều đó thì chúng ta cần phải xây cho mình nghiệp thật tốt. Nghĩa là khi đi qua vòng đời của bản thân, hãy cố gắng sống tốt nhất có thể, vừa trả nợ quả ác (nghiệp xấu) trong quá khứ vừa tích lũy nghiệp tốt.

Thông điệp quan trọng: Ấn Độ giáo hướng con người đến những việc làm tốt để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Hồi giáo

Đạo Hồi - một đức tin cổ đại khác - cũng cho ta rất nhiều bài học mà ta có thể áp dụng vào hiện tại. Gần đây có rất nhiều nhánh con của Đạo Hồi đã được phát triển. Mặc dù vậy, tiến sĩ Adis Duderija lại bị ấn tượng bởi Hồi giáo tiến bộ (Progressive Islam) vì những đức tin có phần sát với thực tế với xã hội đương thời. Hồi giáo tiến bộ bác bỏ chủ nghĩa cực đoan, không phân biệt đối xử xã hội, công bằng giới tính, bao hàm nhiều đức tin khác nhau và cùng nhau tạo nên một thế giới tốt đẹp.

Một điều không kém quan trọng là mặc dù dựa trên những thánh thư cổ đại (những thứ rất khó áp dụng đối với thế giới đương thời vì cổ quá) nhưng Hồi giáo tiến bộ lại cho chúng ta những quan điểm dễ hiểu cũng như dễ áp dụng hơn nhiều. Đức tin này như một "bộ phiên dịch" những quan điểm của Hồi giáo cổ đại để cho chúng ta dễ dàng áp dụng những bài học cổ vào cuộc sống của chính chúng ta.

Một ví dụ đơn giản: Hồi giáo cổ đại cho rằng phụ nữ ngang hàng với đàn ông. Nghe thì có vẻ hiển nhiên nhưng thực tế thì từ cái thời cả thế giới này mất công bằng về giới tính thì Hồi giáo đã có những quan điểm như thế rồi. Và ngày nay, Hồi giáo tiến bộ vẫn mang quan điểm công bằng về giới tính này, điều đó thể hiện rằng cái nhìn của Hồi giáo đã chẳng hề thay đổi suốt một chiều dài lịch sử - duy trì và phát huy những thứ tốt đẹp cho đến tận hôm nay.

Thông điệp quan trọng: Hồi giáo cổ đại có những quan điểm mặc dù có từ lâu đời nhưng ta vẫn có thể áp dụng chúng vào cuộc sống hiện đại.

Đạo Do Thái và đạo Cơ Đốc

Truyền đạt những ý tưởng trong những thánh kinh cổ đại là một khó khăn không chỉ với Hồi giáo mà bên cạnh đó đạo Do Thái và đạo Cơ Đốc cũng gặp những thách thức nhất định. Tuy nhiên 2 tôn giáo trên lại khuyến khích chúng ta hiểu những văn bản cổ đại theo cách riêng của người đọc - cùng một kinh thánh nhưng mỗi người lại có một cách hiểu riêng biệt.

Rabbi Barbara Block (Israel Temple Leader) công nhận rằng cuốn Kinh thánh tiếng Hebrew không phải là một công trình nhất định về triết học vì nó đã được dịch theo nhiều nghĩa khác nhau xuyên suốt lịch sử. Có lẽ chính nhờ điều này mà đạo Do Thái có một chút gì đó phức tạp nhưng cũng rất đẹp đẽ và đồ sộ. Tương tự như vậy, trí giả Alister McGrath cũng bác bỏ ý kiến cho rằng đạo Cơ Đốc là một tập hợp các ý tưởng đặc biệt, nó đơn giản chỉ là một "sự phản chiếu" (reflection), một suy ngẫm đặc biệt về vai trò của chúa Jesus.

Ngay cả văn tự thiêng liêng quan trọng của người Do Thái - Talmud - cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những ý tưởng khác nhau. Có một câu chuyện kể về "Anh em Shammai và Hillel" (Houses of Shammai and Hillel), hai người họ đang tranh cãi về việc giải thích chính xác "bộ luật" (the Law) thì một giọng nói trên trời ngắt lời họ, nói rằng những quan điểm của Hillel có ý đúng nhưng nhấn mạnh việc "lời cả hai người tranh luận đều là của những Chúa sống" (ý là mỗi người chính là Chúa của bản thân mình và sống dựa theo những quan điểm của chính bản thân họ).

Cầu nguyện cũng là nền tảng của đạo Do Thái. Tuy nhiên, Rabbi Block khuyên nhủ rằng chúng ta không nên cầu xin Chúa ban ơn mà thay vào đó hãy coi cầu nguyện là một cách tự mình nhìn nhận bản thân để giúp tâm hồn sáng suốt và lựa chọn tốt hơn. Ví dụ như việc một người cầu nguyện cảm ơn Chúa vì đã mang đến cho anh ta sự thành công trong sự nghiệp, nhưng thực sự là anh ấy sẽ bước ra ngoài tự nâng cao kỹ năng của bản thân và gặt hái những thành công bằng đôi tay của mình (chứ không phải là nhờ cầu nguyện hay nhờ Chúa ban cho).

Trong đạo Cơ Đốc, ý nghĩa cũng tùy vào mỗi bản thân chúng ta. Đức tin của đạo Cơ Đốc giống như một góc nhìn hơn là một bộ quy tắc nhất định. Và như tác giả Lewis đề cập:

"Tôi có đức tin ở đạo Cơ Đốc cũng như tôi tin vào việc mặt trời mọc, không phải vì tôi nhìn thấy nó mà nhờ nó tôi có thể nhìn thấy mọi sự vật khác."

Thế nên câu hỏi dạng như: "Tại sao chúng ta lại đau khổ?" có rất nhiều câu trả lời. Một số người cho rằng đau khổ cho chúng ta cơ hội để có thể trưởng thành, một số người khác lại cho rằng đau khổ là sự xui xẻo. Tùy thuộc vào quan điểm của từng người mà sự việc được nhìn nhận một cách khác nhau.

Thông điệp quan trọng: Kinh Thánh của đạo Cơ Đốc và đạo Do Thái đều đem cho chúng ta những góc nhìn về cuộc sống theo cách hiểu riêng của mỗi chúng ta. Nó nhắc nhở chúng ta hãy tự khám phá ra ý nghĩa cuộc sống của riêng mình.

Một vài chủ nghĩa và tôn giáo khác

Hiện nay, một số tôn giáo truyền thống không còn chiếm quá nhiều ưu thế như nó đã từng trong quá khứ. Bên cạnh đó, một số những chủ nghĩa phát triển dựa trên sự công nhận những giá trị của những tôn giáo truyền thống nhưng không tôn thờ hay có đức tin vào bất cứ vị Chúa hay Thánh nào.

Phần này mạn phép không bàn quá sâu vì tôi cũng chưa thực sự hiểu. Cho nên nếu ai tò mò thì có thể tìm hiểu thêm về những chủ nghĩa mà cuốn "How to live a good life" nói đến nhé:

Những chủ nghĩa hiện đại thì không gắn liền đến một nhân vật cụ thể (Thần) nào cả. Nó thường kế thừa những giá trị tốt đẹp những tôn giáo cổ đại và phát triển lên để có những quan điểm sát hơn với đời sống hiện nay. Đặc điểm chung là chúng mang đến cho con người những ý niệm về sự tự do (sự tự do ở đây có rất nhiều nghĩa nhưng hầu hết là không bị bó buộc vào một chuẩn nào cả), nó như một công cụ toàn năng giúp chúng ta đưa ra những quan điểm về thế giới do chính chúng ta định nghĩa.

Bottom lines

Đó là tất cả những gì tôi đúc rút được sau khi đọc cuốn sách "How to live a good life" của Massimo Pigliucci, Skye ClearyDan Kaufman.

Hi vọng là qua 2 bài viết của tôi thì các bạn có thể phần nào đó có một cái nhìn tổng quan về các tôn giáo/quan điểm/chủ nghĩa điển hình trên thế giới. Và biết đâu đó, các bạn cũng đã có thể trả lời một số câu hỏi về lẽ sống của chính mình :)


Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của tôi!

Kim,

05/08/2020