kimpa.xyz

Tôn giáo và tín ngưỡng (phần 1)

Ý tưởng của bài viết này đến từ cuốn sách "How to live a good life" của Massimo Pigliucci, Skye ClearyDan Kaufman.

Cuốn sách này mang đến những góc nhìn rất hay về việc các tôn giáo từ phương Đông đến phương Tây đưa ra câu trả lời như thế nào cho câu hỏi "Lẽ sống là gì?".

Những câu trả lời được đưa ra rất đa dạng, đôi khi các quan điểm xung đột lẫn nhau nhưng đôi khi chúng cũng bổ sung cho nhau. Tôi xin chia sẻ lại những ý tưởng mà tôi đúc rút được sau khi đọc cuốn sách này.

Trong phần này, tôi sẽ giới thiệu và truyền tải đến các bạn thông điệp của:

Phật giáo cổ đại

Có một câu chuyện được kể lại như sau:

Vào tháng 3 năm 2000, Owen Flanagan - một học giả nghiên cứu về Phật giáo đã hành hương đến một ngôi chùa của Đức Đạt Lai Lạt Ma trên dãy Himalayas. Nhân dịp đến vùng đất xa xôi này, Flanagan đã hỏi người đứng đầu Phật giáo của Tây Tạng một câu hỏi khó về tính đạo đức:

- Thưa Ngài, nếu một người có thể ám sát một nhân vật xấu xa (như Hitler) trong thời gian nhân vật đó đang nắm quyền và lộng hành, anh ta có nên làm điều đó hay không?

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã mất vài phút để bàn luận với những sư thầy trong chùa và đưa ra kết luận của mình:

- Giết 1 người như vậy là có đạo đức.

Rồi ngài thêm rằng:

- Đừng ngạc nhiên và tức giận. Con hãy nghe ta giải thích tại sao.

Ngài chờ cho Owen tĩnh tâm, rồi tiếp tục:

- Đạo đức là nguyên tắc cơ bản của Phật giáo. Mục đích chính của đạo đức là nhằm giảm thiểu tối đa sự đau khổ và đem lại hạnh phúc nhiều nhất có thể cho toàn thể mọi thứ trên thế gian. Kể cả việc giết Hitler cũng vậy. Điều đó sẽ được coi là việc làm có đạo đức nếu nó đem lại được một hạnh phúc lớn cho thế giới (cứu sống được nhiều người khỏi bị tra tấn, giết chóc) so với một sự đau khổ nhỏ mà nó đem lại (Hitler chết).

Ngoài ra, Phật giáo cũng cho rằng không có gì là vĩnh cửu cả. Cho nên, thay vì giải phóng mọi thứ khỏi cuộc sống của nó (tức là giết một sinh vật nào đó), Phật giáo dạy ta rằng cuộc sống là có hạn. Vì vậy đừng để thời gian bị phí hoài, hãy tìm ra mục tiêu của mình, sống hết mình với nó và đồng thời giúp đỡ "vạn vật" (vì chúng cũng chỉ có thời gian hữu hạn như ta mà thôi). Và trên tất cả, Phật giáo quan tâm đến toàn thể vạn vật, chứ không chỉ riêng ai, riêng thứ gì cả.

Thông điệp: Phật giáo đề cao việc cho rằng chúng ta là một phần của thế giới - một hạt cát nhỏ trong vũ trụ rộng lớn.

Nho giáo và Đạo giáo

Trái ngược với Phật giáo, Nho giáo cho rằng nếu chúng ta chỉ quan tâm đến đến những thứ tổng thể rộng lớn thì tức là chúng ta đang quên đi mất cuộc sống thực tế của chính bản thân mình. Cũng giống như việc nhắm mắt lại và bạn sẽ không thể thấy mũi của mình được nữa. Tuy vậy, không nhìn thấy mũi không có nghĩa là nó không tồn tại ở đó, cuộc sống của bạn cũng y hệt vậy.

Nho giáo cho rằng phủ nhận bản thân thì không thể nào được coi là sống một cuộc sống tốt đẹp. Bởi vì công nhận bản thân mình là một phần tất yếu trong việc định nghĩa chúng ta là ai.

Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu Bryan Van Norden, một trong những điều cơ bản của Nho giáo là chúng ta không thể tồn tại riêng biệt mà không có bất kỳ một mối liên hệ nào với thế giới xung quanh. Vì thế, để có thể sống một cách tốt đẹp thì chúng ta phải duy trì mối liên hệ tốt đẹp với mọi thứ xung quanh ta.

Những ví dụ cơ bản minh chứng cho quan điểm luôn luôn có những mối liên hệ với thế giới xung quanh là:

Từ những ví dụ nho nhỏ đó, suy rộng ra xung quanh thì chúng ta có thể nhận ra rằng bản thân mình luôn tồn tại những mối liên hệ sâu sắc với mọi vật.

Đạo giáo - một tôn giáo cổ đại khác ở phương Đông - cũng chú trọng sự liên hệ của con người với thế giới rộng lớn xung quanh. Tuy nhiên, tôn giáo này nhấn mạnh nhiều hơn về sự liên kết của con người với thiên nhiên. Và ẩn trong những giáo điều đó chính là những lời răn dạy về cách mà chúng ta có thể ứng xử đối với các thách thức mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống.

Có một câu chuyện cổ về anh chàng Dayu khi làng của anh ta phải chống chọi với một cơn lũ. Thay vì đắp đê ngăn dòng nước lũ thì anh lại tạo ra một kênh rạch cho dòng nước chảy qua làng. Việc làm này của anh vừa ngăn chặn cơn lũ phá hủy làng, vừa cung cấp đủ nước tưới cho những mùa vụ bội thu.

Thiên nhiên là thứ mà khi chúng ta chống lại nó, nó cũng chống lại chúng ta. Nhưng nếu chúng ta hòa thuận với nó, nó cũng sẽ hòa thuận lại với chúng ta. Với tất cả những bài học mà Đạo giáo dạy, chúng ta đều có thể áp dụng để giải quyết dễ dàng mọi thách thức trong cuộc sống bộn bề gian nan này.

Thông điệp quan trọng: Nho giáo cho chúng ta cái nhìn về những mối quan hệ còn Đạo giáo dạy chúng ta cách ứng xử với mọi thứ.

Triết học Aristote

Bên cạnh những quan điểm được đưa ra từ nền văn hóa phương Đông thì những nhà triết học Hy Lạp và La Mã cổ đại cũng có những quan điểm của riêng mình về một cuộc sống. Một trong số đó chính là chủ nghĩa của Aristote (Aristotelianism).

Hãy nghĩ về một tay vợt siêu tài năng - tay vợt giỏi nhất mọi thời đại. Điều gì sẽ xảy ra nếu anh ấy sống ở thời kì mà sự hấp dẫn của công chúng đối với bộ môn này là không cao? Chắc hẳn là anh ấy sẽ chẳng bao giờ chứng minh được tài năng của mình đối với công chúng vì đơn giản là anh ấy đâu có cơ hội để phát triển và được mọi người quan tâm công nhận.

Aristote cho rằng không nên tin vào bất cứ thứ gì được gọi là "những quy tắc triết lý cơ bản" cả vì thực tế cuộc sống phức tạp hơn nhiều. Tất cả những gì mà con người mong muốn là tìm ra được tài năng của bản thân (càng nhiều càng tốt), phát triển chúng và được mọi người công nhận. Chúng ta sẽ tự hào về điều đó và cho rằng đây chính là cuộc sống hạnh phúc mà chúng ta hằng tìm kiếm.

Nhưng cũng giống như câu chuyện về tay vợt tài năng ở trên, không phải ai cũng có khả năng (và hoàn cảnh) giống nhau. Hãy nghĩ đến ai đó sinh ra mà không có sự hỗ trợ của gia đình, hay ai đó cả đời bị hủy hoại bởi hoàn cảnh (tàn tật chẳng hạn). Thật là khó khăn cho những người đó phát triển giống bao người khác, mặc dù đó không phải lỗi của họ...

Aristote thực sự tin tưởng rằng cuộc sống phức tạp và nhiều biến số khó lường hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Nhưng nếu cứ tin tưởng như vậy thì chẳng lẽ nếu chúng ta không may sinh ra trong một hoàn cảnh khó khăn thì chúng ta sẽ không có bất kỳ cơ hội nào để phát triển giống mọi người sao?

Thực ra thì "hoàn cảnh" đúng là một nhân tố có sức ảnh hưởng rất lớn tới cuộc đời một con người. Tuy vậy, bạn đừng quá đặt nặng điều đó. Hãy cứ cố gắng kiên trì phát triển tối đa các kỹ năng của bản thân không chỉ trong một mà nhiều lĩnh vực khác nhau.

Hoàn cảnh khó khăn chỉ là quá khứ và hiện tại, chúng ta có thể tự tạo ra hoàn cảnh tốt đẹp hơn cho mình trong tương lai ngay từ những bước đi ở hiện tại.

Thông điệp quan trọng: Bằng cách xác định và phát triển tối đa những tài năng của bản thân, bạn có thể tiến tới một cuộc sống hạnh phúc. Tuy nhiên, đôi lúc bạn phải chấp nhận rằng: thành công không chỉ dựa vào sự cố gắng của bạn mà còn dựa trên những yếu tố khác nữa.

Đọc tiếp phần 2 tại đây: Các tôn giáo và tín ngưỡng phổ biến trên thế giới (phần 2)


Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của tôi!

Kim,

04/08/2020