Quan Lạn và bài học đối nhân xử thế
Hôm nay (25/08/2024), tôi kết thúc chuyến đi đảo Quan Lạn của mình. Đây là một chuyến đi tuyệt vời vì Quan Lạn là một địa điểm du lịch nguyên sơ nên vẫn còn giữ được rất nhiều vẻ đẹp nguyên thủy của tự nhiên.
Mặc dù chuyến đi rất tuyệt vời, tuy vậy có 2 câu chuyện tôi gặp phải trên hành trình của mình mà tôi muốn viết lại chia sẻ lại với mọi người.
1, Câu chuyện đầu tiên
Trong buổi đầu tiên thăm quan đảo Quan Lạn, chúng tôi đến núi Bò Xi để ngắm cảnh và checkin nhưng bị lạc đường. Xui rủi thế nào lại lạc đến Eo Gió - một điểm checkin khá đẹp ở Quan Lạn. Tuy nhiên, do một số tranh chấp nên địa điểm này đang không được phép cho du khách vào tham quan.
Vì chúng tôi đã đi một quãng đường khá dài để đến đó nên cũng không muốn uổng công sức đi lại. Do vậy, chúng tôi nghe theo hướng dẫn của dân bản địa và thử hỏi bạn bảo vệ xem liệu chúng tôi có thể "lách luật" lên ngắm cảnh trên Eo Gió 5 phút được không.
Tuy vậy chúng tôi lại gặp phải một bạn bảo vệ có thái độ hết sức khó chịu. Mặc dù chúng tôi nói chuyện hết sức nhẹ nhàng và thân thiện thì bạn bảo vệ này lại tỏ vẻ hách dịch đến khó chịu. Câu nào là câu nấy ra vẻ mình là vua của vùng đất và ra sức mạt sát chúng tôi.
Hầu như trong các chuyến đi du lịch, tôi thường hay "tip" cho người dân bản địa vì sự yêu mến của tôi dành cho họ cũng như là địa điểm mà tôi tham quan. Tuy nhiên, đối với bạn bảo vệ này, mặc dù lúc đầu tôi đã có ý định "tip" cu cậu một số tiền nhỏ, thái độ của cậu đã làm tôi thay đổi 180 độ.
Như vậy, thay vì chọn cách nói chuyện nhẹ nhàng và tôn trọng chúng tôi, bạn bảo vệ lại chọn cách ngược lại. Cu cậu không chỉ nhận được cái "bơ" từ chúng tôi mà còn mất đi luôn cơ hội nhận được một số tiền tip.
Ngược lại, chúng tôi lại có được một cơ hội mới để khám phá một điểm checkin khác rất đẹp trên đảo và có một khoảng thời gian rất đáng nhớ.
Bài học rút ra cho bản thân:
Đừng bao giờ thiếu tôn trọng người khác, họ sẽ không bao giờ để sự thiếu tôn trọng của bạn làm tổn thương họ. Ngược lại, bạn vừa làm xấu đi hình ảnh của mình trong mắt họ, vừa làm mất đi những cơ hội của chính mình.
2, Câu chuyện thứ hai
Câu chuyện này xảy ra trong chuyến tàu từ Quan Lạn về cảng Ao Tiên kết thúc chuyến đi của chúng tôi.
Theo lịch trình, tàu sẽ rời bến Quan Lạn lúc 15h00, chúng tôi có mặt và lên tàu trước 15 phút (tức 14h45). Lúc đó tàu còn rất nhiều chỗ trống nên chúng tôi ngồi 2 ghế và để hành lý ở 1 ghế bên cạnh.
15h05 phút (tức là chậm 5 phút so với giờ khởi hành), một đoàn khoảng 10-20 người xuống tàu. Mặc dù họ xuống tàu muộn nhưng rất thiếu văn hóa: người thì nồng nặc mùi bia rượu, nói (tục) rất to và chen lấn những hành khách trên tàu.
Không dừng lại ở đó, một vị khách trong đoàn người này làm mất vali trên đường từ khách sạn ra cảng. Thành viên còn lại trong đoàn thì 9 người 10 ý, cãi nhau loạn lên để giúp vị này tìm lại vali cùa mình, bất chấp lời nói của thuyền phó mà tự do lên tàu xuống tàu như cái chợ và yêu cầu thuyền trưởng chờ người trong đoàn của họ lên tìm chiếc vali thất lạc. Họ coi chuyến tàu như của riêng họ và làm trễ giờ khởi hành của cả chục người khác trên tàu cả tiếng đồng hồ.
Sau khi tìm thấy chiếc vali bị thất lạc, họ vẫn không ngừng hò hét nhau trên tàu với men rượu đầy trong hơi thở. Rồi bỗng dưng một ông khách trong đoàn đó không tìm thấy chỗ ngồi trống và nhìn thấy chỗ chúng tôi để hành lý, nói oang oang rằng:
"Đ** m*, chó có đuôi, người có ý thức. Có cái chỗ ngồi cũng để hành lý đ** cho người khác ngồi."
Không một lời xin lỗi những hành khách trên tàu vì làm trễ giờ khởi hành. Không một lời hỏi chúng tôi xem liệu chúng tôi có thể bỏ hành lý ra để nhường chỗ cho ông ngồi được không mà thay vào đó là một câu chửi. Chúng tôi quyết định im lặng. Ông thì đâu có chịu để chúng tôi yên, ông tiếp tục:
"Bọn này không hiểu tiếng người chúng mày ạ. Lũ đ** biết Tiếng Việt."
Cùng với đó là một ông khác trong đoàn đó (cũng sặc mùi rượu) hùa theo. Ồn ĩ cả cái tàu. Chúng tôi vẫn im lặng làm thinh vì theo tôi, chẳng việc gì phải phản hồi một người ngay từ đầu đã không tôn trọng mình cả.
Cứ như vậy, họ ra sức mạt sát chúng tôi. Còn chúng tôi chỉ đơn giản là làm thinh và coi như họ không tồn tại. Sau một khoảng thời gian bất lực vì không thể làm gì chúng tôi, họ đành phải nhờ bác thuyền phó ra nói chuyện nhỏ nhẹ với chúng tôi để nhường ghế.
Những người đàn ông bất lực trong việc làm chúng tôi khó chịu 🤭
Cho đến khi tàu cập cảng Ao Tiên, chỉ còn người đàn ông cay cú quay lại buông lời chửi tục chúng tôi như một hi vọng cuối cùng có thể làm chúng tôi khó chịu. Tôi chỉ đơn giản là nhìn thẳng mắt ông, mỉm cười và nhún vai. Ông đành bất lực và cúi đầu đi lên bờ.
Hẳn là ông tức giận và bất lực lắm vì dù tốn nước bọt mạt sát chúng tôi đến đâu thì chúng tôi vẫn chẳng hề cảm thấy bực tức hay quan tâm gì cả. Sự khó chịu mà ông muốn quẳng cho chúng tôi lại chính là thứ mà ông phải gánh chịu. Quả là gậy ông đập lưng ông .
Bài học rút ra cho bản thân:
Đôi khi trong cuộc đời, chúng ta sẽ phải chạm trán những thành phần hết sức khó chịu trong xã hội. Thay vì phản ứng lại một cách thái quá như chửi lại hay cãi nhau tay đôi với họ; hãy rèn luyện sự bình tĩnh, làm ngơ với những người ngay từ đầu đã không tôn trọng chúng ta và tập trung vào hành trình của bản thân.
Khi bạn phản ứng lại người mạt sát bạn, bạn đã cho họ thấy rằng họ đã thành công trong việc làm bạn bực tức và khó chịu. Nhưng khi bạn không thèm quan tâm đến những lời mạt sát của họ, chính họ sẽ là người gánh chịu những sự khó chịu mà họ muốn quẳng vào bạn - Đó chính là sức mạnh của sự im lặng.
“Chó cứ sủa đoàn người cứ đi” - Ngạn ngữ Tây Ban Nha
3, Một số hình ảnh đẹp ở Quan Lạn
Bỏ sau lưng những câu chuyện không vui trong cuộc hành trình, tôi xin phép chia sẻ những trải nghiệm đẹp mà tôi có được trong chuyến tham quan hòn đảo nhỏ xinh ở huyện đảo Vân Đồn này.
Con đường ven biển
Thiên đường
Nước biển trong nhìn thấy tận đáy
Nhặt vỏ sò ở Bãi Rùa
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của tôi!
Kim,
25/08/2024