kimpa.xyz

Thiết lập các mục tiêu tài chính

financial-goal-arrow

Khi tôi mới biết đến khái niệm tự do tài chính, tôi đã nghĩ rằng để đạt được cột mốc đó thì tôi sẽ cần rất rất nhiều tiền. Và có lẽ có nhiều người sẽ có cùng suy nghĩ giống với tôi, đó là lấy cột mốc 1 triệu $ (~24 tỷ đồng) để làm mục tiêu đạt được tự do tài chính.

Sau này, khi ngồi lại và tính toán dựa trên những con số thực tế, tôi mới nhận ra rằng hóa ra số tiền để đạt được các cột mốc tự do tài chính không hề lớn như tôi nghĩ. Và một tin vui nữa, đó là số tiền này nằm trong khả năng mà tôi (và các bạn) có thể đạt được.

Khi nghiên cứu các bài blog, các cuốn sách và những khóa học về tài chính cá nhân; tôi thấy họ đều chia quãng đường tự do tài chính thành nhiều mốc nhỏ. Có người thì chia thành 5 mốc, có người lại chia thành 7 mốc, nhưng đối với tôi, sự đơn giản hóa bao giờ cũng giúp chúng ta dễ tiếp cận và có động lực để theo đuổi hơn. Vì vậy, tôi chỉ chia các cột mốc tài chính của mình thành 3 mục tiêu như sau:

Tôi sẽ đề cập chi tiết cách mà tôi thiết lập các con số cụ thể cho từng mục tiêu tài chính ở trên thông qua bài viết này. Nhưng để có thể tính toán được các con số cụ thể cho từng mục tiêu tài chính của bản thân, thì trước tiên chúng ta cần phải lập bảng theo dõi tài chính cá nhân của mình (với thời gian khuyến nghị của tôi là trong ít nhất 3 tháng).

*Tham khảo thêm bài viết lập bảng theo dõi chi tiêu cá nhân.

Việc ghi chép lại các khoản chi tiêu của mình sẽ giúp chúng ta nhìn thấy được:

Từ những con số thực tế như vậy thì chúng ta mới có thể tính toán được một cách chính xác số tiền mà chúng ta cần tích lũy để đạt được từng mục tiêu tài chính cụ thể.

Còn bây giờ, tôi sẽ đi vào phần chính của bài viết - giải thích ý nghĩa của các mục tiêu tài chính và cách tính toán con số cụ thể cho từng mục tiêu đó.


1, Mục tiêu thứ nhất - An toàn tài chính (Financial Security)

financial-security-shield

An toàn tài chính là trạng thái mà chúng ta có đủ nguồn tài chính để chi trả cho mức sống tối thiểu của bản thân đến hết đời.

Điều này có nghĩa là khi chúng ta đạt được trạng thái an toàn tài chính, thì ngay cả nếu ngày mai chúng ta bị sa thải và thất nghiệp tới hết đời (tức là không có khả năng làm ra tiền nữa), chúng ta cũng sẽ vẫn có đủ tiền để không phải lo về việc mình bị chết đói, chết khát hay là vô gia cư.

Dưới đây là cách tôi thiết lập con số cho mục tiêu an toàn tài chính của mình:

Bước 1 - Tính tổng số tiền chi tiêu bắt buộc (must-have expense) trong một năm

Dựa vào bảng theo dõi tài chính cá nhân của mình, các khoản chi tiêu tối thiểu của tôi trong tháng bao gồm:

Khoản mục Số tiền
Ăn 2,700,000 VNĐ
Đi lại 310,000 VNĐ
Nhà 2,500,000 VNĐ
Điện 1,000,000 VNĐ
Nước 50,000 VNĐ
Internet/4G 250,000 VNĐ
Quần áo 500,000 VNĐ
Tắm giặt 70,000 VNĐ
Khác 500,000 VNĐ
Tổng 7,880,000 VNĐ

Chi tiết về các con số:

Như vậy, tổng số tiền chi tiêu tối thiểu của tôi mỗi năm sẽ rơi vào khoảng

7,880,000 VNĐ * 12 = 94,560,000 VNĐ

Bước 2 - Tính toán số tiền cần đạt được

Thông thường, để tính toán số tiền mục tiêu cho tự do tài chính hoặc hưu trí, người ta sử dụng quy luật 4% (hay còn gọi là quy luật 25).

Quy luật 4% (hay còn gọi là quy luật 25) dựa trên giả định rằng chúng ta có một tỷ lệ đầu tư sinh lời trung bình là 4% mỗi năm. Bằng cách rút ra 4% từ số tiền đã tích lũy hàng năm, chúng ta có hy vọng rằng mình sẽ không tiêu hết tiền và vẫn duy trì được mức sống mong muốn của bản thân. Nguyên tắc của quy luật này là nhân số tiền bạn muốn rút hàng năm với 25. Kết quả sẽ cho chúng ta số tiền cần tích lũy để đạt được mục tiêu đó.

Nếu áp dụng quy luật 4% vào trường hợp của mình, với tổng số tiền chi tiêu tối thiểu của tôi hàng năm là 94,560,000 VNĐ thì số tiền mà tôi cần có để đạt được trạng thái an toàn tài chính là:

94,560,000 * 25 = 2,364,000,000 VNĐ

Điều này có nghĩa là nếu tôi có 2,364,000,000 VNĐ và gửi tiết kiệm ngân hàng với lãi suất 4% hàng năm, thì mỗi năm tôi sẽ lãi ra:

2,364,000,000 * 4% = 94,560,000 VNĐ

Số tiền lãi này bằng đúng với tổng số tiền chi tiêu tối thiểu của tôi trong một năm. Như vậy, chỉ với tiền lãi gửi tiết kiệm ngân hàng, tôi sẽ không cần phải đi làm kiếm thêm tiền để trang trải những chi phí của cuộc sống nữa.

Đó chính là cách tính đơn giản nhất để tìm ra được số tiền mục tiêu mà chúng ta cần có nhằm đạt được trạng thái an toàn tài chính. Tuy nhiên, quy luật 4% chỉ là một quy luật tương đối và có khá nhiều yếu tố quan trọng ở Việt Nam không được tính vào như lạm phát, môi trường đầu tư,... Do đó, tôi khuyên mọi người nên sử dụng công thức tổng quát được đề cập ở phần 4 để có thể tự thay đổi một số biến số và có kết quả chính xác hơn.


2, Mục tiêu thứ hai - Độc lập tài chính (Financial Independence)

financial-independence

Độc lập tài chính là trạng thái mà chúng ta có đủ nguồn tài chính để sống đến cuối đời với mức sống thoải mái của bản thân.

Tất nhiên là chẳng ai muốn sống theo cách mà "tồn tại thôi là đủ" phải không? Con người phát triển, xã hội phát triển. Chúng ta muốn sống không chỉ về mặt thể chất mà còn muốn sống cả về mặt tinh thần. Mua những món đồ mình thích, sắm những món đồ mình yêu, đi chơi đây đó và thưởng thức những món ăn tuyệt hảo là nhu cầu của không chỉ tôi mà là còn của đa số mọi người.

Sau khi đạt được số tiền để đảm bảo rằng mình có thể "tồn tại", bạn có thể bắt đầu nghĩ đến việc lập ra kế hoạch cho phép bản thân thoải mái mở rộng hầu bao hơn và chi tiêu cho một cuộc sống thỏa mãn tinh thần của mình.

Dưới đây là tính toán của tôi lập ra cho kịch bản đó:

Bước 1 - Tính tổng số tiền chi tiêu để sống thoải mái trong một năm

Dựa vào bảng theo dõi tài chính cá nhân của mình, các khoản chi tiêu để sống thoải mái (bao gồm must-have expense, nice-to-have expense và wasted expense) của tôi trong tháng bao gồm:

Khoản mục Số tiền
Ăn 3,600,000 VNĐ
Đi lại 350,000 VNĐ
Nhà 5,500,000 VNĐ
Điện 1,000,000 VNĐ
Nước 50,000 VNĐ
Internet/4G 250,000 VNĐ
Quần áo 500,000 VNĐ
Tắm giặt 70,000 VNĐ
Mua sắm 5,000,000 VNĐ
Đi chơi 3,000,000 VNĐ
Khác 500,000 VNĐ
Tổng 19,820,000 VNĐ

Chi tiết về các con số:

Như vậy, tổng số tiền chi tiêu thoải mái của tôi mỗi năm sẽ rơi vào khoảng

9,820,000 VNĐ * 12 = 237,840,000 VNĐ

Bước 2 - Tính toán số tiền cần đạt được

Cũng giống như việc tính toán số tiền cho trạng thái an toàn tài chính, chúng ta áp dụng quy luật 4% với tổng số tiền chi tiêu hàng năm là 237,840,000 VNĐ thì số tiền mà tôi cần có để đạt được trạng thái độc lập tài chính là:

237,840,000 * 25 = 5,946,000,000 VNĐ

Và như đã đề cập ở trên, quy luật 4% chỉ là một quy luật tương đối và có khá nhiều yếu tố quan trọng không được tính vào như lạm phát, môi trường đầu tư,... Do đó, tôi khuyên mọi người nên sử dụng công thức tổng quát được đề cập ở phần 4 để có thể tự thay đổi một số biến số và có kết quả chính xác hơn.


3, Mục tiêu cuối cùng - Tự do tài chính (Financial Freedom)

financial-freedom

Tự do tài chính là trạng thái chúng ta có đủ nguồn tài chính để có thể thực hiện được những ước mơ của mình.

Không còn lo chết đói vì đã có nguồn tài chính an toàn bảo vệ. Cũng không còn sợ mình phải sống khắc khổ vì trạng thái độc lập tài chính đã cung cấp cho chúng ta những dòng tiền thụ động phục vụ cho đời sống tinh thần. Chúng ta hoàn toàn tự do để vẽ cuộc đời mình.

Một khi bắt đầu chinh phục mục tiêu này, chúng ta đã hoàn toàn tự do về mặt tài chính. Lúc này những kế hoạch được lập ra không còn liên quan đến vấn đề "tồn tại" hay "thỏa mãn tinh thần" nữa. Chúng ta ở đây để lập kế hoạch cho giấc mơ và sứ mệnh của cuộc đời mình.

Phần này tôi xin phép không đưa ra ví dụ cụ thể của bản thân vì ai cũng đều có những giấc mơ khác nhau và những giấc mơ khác nhau thì đều có cái giá riêng của nó. Chúng ta có thể thiết kế những bản hoạch định tài chính cho một công ty start-up mà chúng ta ấp ủ từ lâu, chúng ta cũng có thể thiết kế những chương trình từ thiện mà chúng ta muốn hay đơn giản hơn là lập kế hoạch đi du lịch khắp thế giới hoặc mua cho mình những món đồ xa xỉ nhất trong những món đồ xa xỉ.

Dù là ước mơ của bạn là gì đi chăng nữa, thì khi đặt chân trên hành trình cuối cùng này, bạn cũng đã có đủ kiến thức về tài chính để tự tính toán con số cho chính mình!


4, Hiệu chỉnh số liệu

calculate

Như đã đề cập trong các phần trên, quy luật 4% là một quy luật khá dập khuôn vì được nhà kinh tế học William Bengen nghĩ ra để áp dụng cho nền kinh tế phương Tây vào những năm 1990 đối với những khoản tiền tích lũy được sử dụng dần trong vòng 30 năm.

Do đó, quy luật này có nhiều yếu tố quan trọng không được tính vào như lạm phát, môi trường đầu tư,... khiến cho việc tính toán chưa được chính xác cho các nền kinh tế ở phương Đông. Vì vậy, tôi có 2 khuyến nghị giúp bạn tính toán được con số mục tiêu một cách chính xác hơn:

Khuyến nghị 1 - Sử dụng công thức mang tính tổng quát

G = C / (r - i)

Trong đó:

Trong trường hợp tính toán khoản tiền cần tích lũy để đạt được trạng thái an toàn tài chính của tôi:

Lắp các con số vào công thức, vậy số tiền tôi cần có để đạt được trạng thái an toàn tài chính là:

94,560,000 / (10% - 4%) = 1,576,000,000 VNĐ

Từ kết quả trên, có thể thấy rằng công thức tổng quát cho phép chúng ta điều chỉnh các biến số (tỷ suất lợi nhuận và tỷ lệ lạm phát) sát với thực tế của khu vực chúng ta sinh sống hơn → đưa ra được con số chính xác hơn với mỗi cá nhân.

Khuyến nghị 2 - Tính thêm yếu tố lạm phát vào thời gian bạn muốn đạt được mục tiêu tài chính

Ngoài ra, để chính xác hơn, chúng ta còn phải tính thêm cả yếu tố lạm phát vào thời điểm mà chúng ta dự định đạt được cột mốc tài chính.

inflation

Ví dụ như ở bảng dưới, tổng chi tiêu tối thiểu hiện tại (năm 2023) của tôi là khoảng 94,560,000 VNĐ/năm → tôi sẽ cần tích lũy 1,576,000,000 VNĐ để đạt được trạng thái an toàn tài chính.

Nhưng nếu tôi chưa đủ khả năng đạt mục tiêu tài chính này vào năm 2023 mà phải đến năm 2030 mới có thể đạt được thì lúc đó số tiền tôi cần tích lũy sẽ phải là 2,073,908,484 VNĐ chứ không phải là 1,576,000,000 VNĐ.

Điều này có thể hiểu là vì lạm phát hàng năm làm các chi phí sinh hoạt tăng thêm → chúng ta phải cập nhật lại số tiền cần tích lũy sau khi tính thêm yếu tố lạm phát.

Năm Tổng số tiền chi tiêu mỗi năm Số tiền mục tiêu cần đạt
2023 94,560,000 VNĐ 1,576,000,000 VNĐ
2024 98,342,400 VNĐ 1,639,040,000 VNĐ
2025 102,276,096 VNĐ 1,704,601,600 VNĐ
2026 106,367,140 VNĐ 1,772,785,664 VNĐ
2027 110,621,825 VNĐ 1,843,697,091 VNĐ
2028 115,046,698 VNĐ 1,917,444,974 VNĐ
2029 119,648,566 VNĐ 1,994,142,773 VNĐ
2030 124,434,509 VNĐ 2,073,908,484 VNĐ

Nếu lạm phát là 4%/năm → chi phí sinh hoạt cũng tăng thêm 4% → số tiền cần tích lũy để đạt mục tiêu tài chính cũng phải tăng thêm 4%.


Bottom lines

Tổng kết lại, trong bài viết này, tôi đã chia sẻ 3 nội dung chính:

Tất nhiên đây không phải là cách duy nhất để thiết lập các mục tiêu tài chính. Và đây cũng chưa phải là phương pháp để tính toán chính xác một cách toàn diện (ví dụ các yếu tố liên quan đến bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xã hội, phòng vệ sức khỏe,... chưa được tôi tính vào).

Mặc dù vậy, với việc đã sử dụng cách thiết lập và tính toán này được 4 năm, tôi nghĩ đây là phương pháp đơn giản và dễ tiếp cận với đại đa số mọi người, đặc biệt là với những ai chưa quen với việc sử dụng các công thức rắc rối của ngành tài chính.

Như đã nói rất nhiều ở những bài viết khác, không có một công thức nào chung cho tất cả mọi người. Chúng ta hãy chỉ coi bài viết này là một sự tham khảo và tự mình khám phá ra phương pháp phù hợp, hiệu quả với bản thân mình nhất nhé.

Cuối cùng, tôi xin chúc mọi người vững bước trên con đường chinh phục tự do tài chính của bản thân mình 🫰🏻!

*Hình ảnh trong bài viết được lấy từ Flaticon


Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của tôi!

Kim,