Chiến lược đầu tư thụ động Index Fund
Đầu tư thụ động vào các quỹ chỉ số (Index Fund) là một chiến lược đầu tư đã có mặt từ khá lâu. Qua thời gian, chiến lược này được chứng minh là một trong những chiến lược đầu tư an toàn và đem lại tỷ suất lợi nhuận tốt nhất. Đó cũng chính là lý do tại sao mà tôi phân bổ một tỷ trọng khá lớn trong danh mục đầu tư của mình vào chiến lược này.
Trong bài viết này, tôi xin phép note lại và chia sẻ tới mọi người những thông tin tôi biết về chiến lược đầu tư này.
Bài viết bao gồm những phần sau:
Một quy tắc bất di bất dịch trong đầu tư là:
Trước khi giải ngân tiền vào các khoản đầu tư, chúng ta cần trả lời được ít nhất 3 câu hỏi sau:
Chúng ta đang bỏ tiền vào cái gì?
Khoản đầu tư mà chúng ta bỏ tiền vào có an toàn không?
Khoản đầu tư mà chúng ta bỏ tiền vào có sinh lời hiệu quả không?
Vì vậy, nếu đây là lần đầu bạn tiếp cận với chiến lược đầu tư này, tôi khuyên bạn nên đọc lần lượt các mục trong bài viết này từ trên xuống dưới và không bỏ qua bất kỳ chi tiết nào. Còn nếu bạn đã biết đến những khái niệm và ý tưởng cơ bản của chiến lược đầu tư này, bạn có thể đi thẳng đến mục các bước thực hiện đầu tư thụ động Index Fund.
Hãy bắt đầu từ một vài khái niệm cơ bản.
1, Quỹ chỉ số (Index Fund) là gì?
Theo định nghĩa trong cuốn sách Đầu tư chứng khoán theo chỉ số của John C. Bogle:
Quỹ chỉ số (Index Fund) là một cái rổ (danh mục đầu tư) chứa rất nhiều trứng (cổ phiếu) được thiết kế để bắt chước hiệu suất tổng thể của một thị trường tài chính nào đó bằng cách tracking một chỉ số thị trường (như VN30 hay S&P500 chẳng hạn).
Một cái ảnh diễn giải về Index Fund khá dễ hiểu của Napkin Finance
Vì Index Fund đại diện cho toàn bộ cổ phiếu có mặt trên thị trường nên nó loại bỏ được 3 rủi ro lớn sau:
Rủi ro của các cổ phiếu riêng lẻ (cổ phiếu rác)
Rủi ro từ các ngành khác nhau
Rủi ro từ những sự lựa chọn sai lầm của các nhà quản lý quỹ (fund manager)
Rủi ro duy nhất mà Index Fund phải đối mặt chỉ là sự biến động của thị trường chứng khoán (market volatility) - thực tế thì yếu tố này lại chính là một đòn bẩy giúp chúng ta gia tăng tỷ suất lợi nhuận khi áp dụng chiến lược đầu tư thụ động cho Index Fund.
2, Đầu tư thụ động là gì?
Đầu tư chủ động (active investing) là hành động phân tích và chọn ra một vài cổ phiếu tiềm năng để đầu tư nhằm mang lại mức lợi nhuận cao nhất trong ngắn hạn. Thường thì mục tiêu của những nhà đầu tư theo trường phái này là đạt được mức lợi nhuận cao hơn mức lợi nhuận trung bình của thị trường.
Ngược lại, đầu tư thụ động (passive investing) lại hướng đến việc hạn chế tối thiểu việc mua bán (giảm tối đa các khoản phí phát sinh) và nắm giữ toàn bộ cổ phiếu trên thị trường nhằm mang lại mức lợi nhuận ngang bằng với mức lợi nhuận trung bình của thị trường.
Lợi thế của đầu tư thụ động so với đầu tư chủ động:
Dễ thực hiện: So với việc phải dành thời gian, sức lực để phân tích chọn ra những cổ phiếu có hiệu suất tốt nhất thì việc mua một Index Fund đại diện cho toàn bộ cổ phiếu trên thị trường là một hành động dễ và đơn giản hơn rất nhiều cho những nhà đầu tư không chuyên.
Chi phí thấp: Đầu tư chủ động phải mua bán rất nhiều cổ phiếu trong ngắn hạn nên có chi phí (phí môi giới và thuế) cao hơn so với việc nắm giữ lâu dài của đầu tư thụ động. Ngoài ra, nếu bạn đầu tư vào các quỹ đầu tư chủ động, bạn còn phải trả phí cho những người quản lý quỹ cao hơn rất nhiều so với một quỹ Index Fund.
Đánh bại đa số các phương pháp đầu tư chủ động: Đây là một điểm rất ngạc nhiên khi rất nhiều thống kê cho thấy trong dài hạn, các Index Fund đều có hiệu suất lợi nhuận tốt hơn so với các Active Fund. Điều này có thể hiểu đơn giản vì thứ nhất, việc lựa chọn các cổ phiếu có hiệu suất tốt nhất trong thời gian dài là rất khó; và thứ hai, thuế và phí của các phương pháp đầu tư chủ động cao hơn rất nhiều so với phương pháp đầu tư thụ động Index Fund.
Tôi sẽ dẫn chứng một số bài viết kèm số liệu để các bạn có thêm thông tin:
Active Vs. Passive And The Simple Reasons You Can't Beat An Index
Warren Buffett cá cược rằng các quỹ phòng hộ không thể thắng Index Fund
3, Lý do nên đầu tư thụ động Index Fund ở Việt Nam
Ở Việt Nam, những Index Fund phổ biến nhất đều có danh mục được phân bổ dựa trên chỉ số chứng khoán VN-INDEX (hoặc VN30). Tôi nghĩ rằng nếu mình đầu tư vào các quỹ này và nắm giữ trong dài hạn thì sẽ nhận được một mức lợi nhuận tốt vì 3 lý do sau:
a, Xác suất và dư địa tăng lớn
VN-INDEX là chỉ số của thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị trường chứng khoán lại luôn là một chỉ báo hữu hiệu cho sức khỏe của một nền kinh tế. Vậy nền kinh tế Việt Nam có những gì?
Chính trị ở Việt Nam ổn định.
Hệ thống tài chính ở Việt Nam đang được quản lý tương đối tốt (lạm phát không quá cao).
Việt Nam không có khủng hoảng (chiến tranh hay sự kiện gì đó tương tự làm nguy hại nền kinh tế ở mức độ nghiêm trọng).
Việt Nam là nước đang phát triển (nên có tốc độ phát triển cao hơn các nước phát triển).
Việt Nam là nước có dân số vàng (lực lượng lao động dồi dào và đang tăng thêm).
Chính vì những triển vọng kinh tế tốt đẹp trên mà tôi kỳ vọng rằng:
Số lượng doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE sẽ tăng lên trong tương lai.
Vốn hóa của các doanh nghiệp được niêm yết trên sàn HOSE sẽ tăng lên trong tương lai.
Như vậy, tổng vốn hóa các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE sẽ có dư địa tăng lên khá lớn → Chỉ số VN-INDEX cũng sẽ tăng tương ứng → Lợi nhuận các khoản đầu tư của tôi vào những Index Fund dựa trên chỉ số này cũng tăng tương ứng.
b, Rủi ro thấp
Bên cạnh đó, đầu tư vào các Index Fund cũng đồng nghĩa với việc tôi đang sở hữu một danh mục bao gồm rất nhiều cổ phiếu. Trong đó chiếm phần lớn là những doanh nghiệp hoạt động tốt nhất thị trường - những doanh nghiệp có vốn hóa cao nhất.
Chính vì vậy, rủi ro của tôi được dàn đều ra và nếu lỡ có một doanh nghiệp nào đó hoạt động không tốt và phá sản thì tôi cũng chẳng cần phải lo lắng lắm vì:
Các doanh nghiệp bị phá sản thường chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong danh mục (vì thông thường những doanh nghiệp yếu kém đều có vốn hóa nhỏ).
Trong danh mục tôi sở hữu có rất nhiều doanh nghiệp chất lượng khác có khả năng "gánh" các doanh nghiệp yếu kém.
Trong những đợt đảo danh mục của các Index Fund, cổ phiếu của doanh nghiệp hoạt động yếu kém sẽ bị loại bỏ và thế chỗ nó là những doanh nghiệp hoạt động tốt hơn → Những doanh nghiệp yếu kém sẽ liên tục bị loại bỏ định kỳ.
c, Chi phí của Index Fund rất thấp
Index Fund là một quỹ đầu tư thụ động. Những quỹ đầu tư thụ động hoạt động rất đơn giản và không cần nhiều nhân sự để quản lý nên chi phí hoạt động của quỹ rất thấp. Chính vì vậy, phí quản lý mà tôi phải trả cho những quỹ này chỉ loanh quanh <1% NAV mỗi năm.
Cùng sức mạnh của lãi kép, nếu so sánh với những quỹ chủ động với phí quản lý hàng năm là >3% thì trong dài hạn (khoảng >20 năm), tôi sẽ tiết kiệm một lượng lợi nhuận khổng lồ phải trả cho những người quản lý quỹ chủ động - những người thậm chí còn không đánh bại nổi các quỹ thụ động trong dài hạn.
Theo thống kê trong vòng 50 năm, lợi nhuận trung bình của các quỹ chủ động chỉ bằng một nửa lợi nhuận mà các Index Fund mang lại. Phần lớn là do chi phí khổng lồ mà nhà đầu tư phải trả cho các tay quản lý quỹ.
4, Các bước thực hiện đầu tư thụ động Index Fund
Ý tưởng của chiến lược đầu tư thụ động Index Fund chỉ đơn giản là:
Mua tích lũy và nắm giữ.
Dưới đây là các bước đầu tư chi tiết mà tôi đã và đang thực hiện:
Bước 1 - Mở một tài khoản ở công ty chứng khoán bất kỳ
Chứng chỉ quỹ Index Fund cũng giống như một mã cổ phiếu. Vì vậy bạn cần phải mở một tài khoản chứng khoán.
Lời khuyên của tôi là hãy chọn những công ty chứng khoán nào có phí giao dịch thấp. Tôi thường sử dụng VPS và TCBS.
Tham khảo phí giao dịch của các công ty chứng khoán tại đây.
Bước 2 - Vào phần mua cổ phiếu và chọn mã của một Index Fund
Sẽ rất khó để một nhà đầu tư cá nhân mua toàn bộ cổ phiếu trên sàn chứng khoán và phân bổ chúng theo đúng tỷ lệ của các chỉ số.
Chính vì vậy, các Index Fund sẽ làm việc đó hộ chúng ta và chia NAV (Net Asset Value - tổng tài sản ròng) của họ thành những phần nhỏ bằng nhau gọi là chứng chỉ quỹ để các nhà đầu tư nhỏ lẻ mua (giống như chia cái bánh pizza ra nhiều phần nhỏ bằng nhau cho mọi người ăn vậy).
Để mua chứng chỉ quỹ của những quỹ này, hãy vào phần mua cổ phiếu → nhập mã của một Index Fund → mua đủ số lượng mà bạn muốn mua.
Gợi ý các mã Index Fund mà tôi thường mua:
FUEVN100:
Danh mục 100 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn HOSE.
Bám sát 95% chỉ số VN100 và bám sát 85% chỉ số VN-INDEX.
Phí quản lý: 0.67% NAV/năm.
Xem chi tiết tại đây.
E1VFVN30:
Danh mục 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn HOSE.
Bám sát 95% chỉ số VN30 và bám sát 80% chỉ số VN-INDEX.
Phí quản lý: 0.8% NAV/năm.
Xem chi tiết tại đây.
Bước 3 - Mỗi tháng dành một khoản tiền mua những mã của Index Fund đã chọn ở bước 2
Để tối đa hóa lợi nhuận khi đầu tư vào những quỹ ETF Index, bạn nên áp dụng chiến thuật DCA (Dollar Cost Average), tức là:
Mỗi tháng mua một lần vào một ngày cố định (mùng 1 hàng tháng chẳng hạn). Tôi thường chia khoảng thời gian này nhỏ hơn: mỗi thứ 4 hàng tuần tôi mua 1 lần.
Mỗi lần mua sử dụng một số tiền bằng nhau (mỗi tháng dành ra 3 triệu đồng để mua chẳng hạn).
Nếu đây là lần đầu bạn mua chứng chỉ quỹ Index Fund và bạn đang có một số tiền lớn thì tôi có vài gợi ý sau để giải ngân một cách thích hợp:
- Chờ vào những cú rơi >20% của VN-INDEX thì giải ngân tỷ trọng lớn (chiến thuật Lump Sum): Ví dụ tôi có 100 triệu đồng. VN-INDEX rơi 20% - dành 25 triệu để mua. VN-INDEX rơi thêm 10% - dành thêm 25 triệu để mua. VN-INDEX rơi thêm 15% - giải ngân thêm 25 triệu. Cứ mỗi khi VN-INDEX rơi mạnh thì lại giải ngân một phần lớn tiền (tôi thường dùng 15-30%).
Chia nhỏ số tiền lớn ra và giải ngân dần dần vào mỗi tháng (chiến thuật DCA): Ví dụ bạn có 100 triệu đồng thì mỗi tháng giải ngân 10 triệu đồng (sau 10 tháng sẽ giải ngân hết). Đối với số tiền chưa giải ngân thì có thể gửi vào tài khoản tiết kiệm ngân hàng để tránh bị lạm phát ăn mòn.
Kết hợp 2 phương pháp trên cũng là một ý tưởng hay.
Bước 4 - Tắt mọi thông báo liên quan đến khoản đầu tư đó
Tâm lý con người là luôn luôn muốn giàu một cách nhanh chóng.
Đầu tư quỹ Index Fund thì không như thế. Nó cần thời gian để tích lũy và sinh lợi nhuận (thường là sau 2 năm thì mới bắt đầu thấy hiệu quả). Vì vậy hãy chủ động “cách ly” bản thân khỏi việc ngó tới khoản đầu tư đó thường xuyên.
Tôi đã từng gặp trường hợp bạn tôi sau khi nghe tôi tư vấn, anh ấy mua và thị trường giảm >15% (01/2021). Anh ấy sợ quá bán hết số chứng chỉ quỹ đúng vào đáy và lỗ chỏng vó (mặc dù tôi đã cố gắng “bơm oxy” và can ngăn). Và sau khi anh ấy bán thì tính đến bây giờ (01/2022), thị trường đã tăng >100%.
Đầu tư là một trò chơi của tâm lý. Nếu bạn chưa điều khiển được tâm lý của mình thì tốt nhất là hãy tự cách ly mình ra khỏi trò chơi đó!
Kết quả thực tế
a, S&P 500
S&P 500 là chỉ số mô phỏng sự biến động vốn hóa của 500 công ty có vốn hóa cao nhất nước Mỹ.
Hãy xem nếu tôi bắt đầu đầu tư vào chỉ số này vào thời điểm xấu nhất - đỉnh của cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - thì kết quả sẽ như thế nào.
Số liệu đầu vào:
Chiến lược: Mỗi tháng dành ra 1,000$ mua chứng chỉ quỹ ETF Index S&P 500.
Thời điểm bắt đầu: Trường hợp xấu nhất - trước cuộc khủng hoảng năm 2008.
Thời điểm kết thúc: Hiện tại - ngày 31/01/2022 (tổng thời gian là 180 tháng).
Kết quả:
Trong ngắn hạn (6 tháng sau khi bắt đầu): Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 cuốn trôi 70% giá trị khoản đầu tư.
Trong trung hạn (2 năm sau khi bắt đầu): Về bờ.
Trong dài hạn (hiện tại 10 năm sau): Giá trị khoản đầu tư gấp hơn 2.5 lần so với số vốn bỏ ra (giá trị khoản đầu tư là 500,000$ trong khi đó tổng số vốn bỏ ra là gần 180,000$).
Tỷ lệ lợi nhuận kép hàng năm (CAGR): 9.1%
Hãy xem cùng xem thêm kết quả nếu vẫn áp dụng chiến lược trên cho khoảng thời gian dài hơn - cụ thể là hơn 50 năm.
Số liệu đầu vào:
Chiến lược: Mỗi tháng dành ra 1,000$ mua chứng chỉ quỹ ETF Index S&P 500.
Thời điểm bắt đầu: 01/01/1970.
Thời điểm kết thúc: Hiện tại - ngày 31/01/2022 (tổng thời gian là 624 tháng).
Kết quả:
Trong dài hạn (hiện tại hơn 50 năm sau): Giá trị khoản đầu tư gấp 18 lần so với số vốn bỏ ra (giá trị khoản đầu tư là 11,200,000$ trong khi đó tổng số vốn bỏ ra là gần 624,000$).
Tỷ lệ lợi nhuận kép hàng năm (CAGR): 7.9%
b, VN 30
VN 30 là chỉ số mô phỏng sự biến động vốn hóa của 30 công ty có vốn hóa cao nhất sàn HOSE. Chỉ số này bám sát khoảng 85% chỉ số VN-INDEX.
Ở phần trước tôi đã đề cập đến quỹ E1VFVN30. Đây là một quỹ ETF Index bám sát chỉ số VN30. Hãy cùng xem hiệu quả của việc áp dụng chiến lược DCA để đầu tư vào quỹ này.
Số liệu đầu vào:
Chiến lược: Mỗi tháng dành ra 1,000$ mua chứng chỉ quỹ E1VFVN30.
Thời điểm bắt đầu: Ngày đầu tiên quỹ E1VFVN30 được niêm yết (06/10/2014).
Thời điểm kết thúc: Hiện tại - ngày 31/01/2022 (tổng thời gian là 87 tháng).
Kết quả:
Trong ngắn hạn (6 tháng sau khi bắt đầu): Thị trường đi ngang → giá trị khoản đầu tư = tổng số vốn bỏ ra.
Thời điểm xấu nhất (03/2020): Thị trường rơi >30% vì dịch Covid-19. Thời điểm này giá trị khoản đầu tư = 80% tổng số vốn bỏ ra.
Trong dài hạn (hiện tại 6 năm sau): Giá trị khoản đầu tư gấp 2 lần so với số vốn bỏ ra (giá trị khoản đầu tư là 170,500$ trong khi đó tổng vốn bỏ ra là hơn 87,000$).
Tỷ lệ lợi nhuận kép hàng năm (CAGR): 10.4%
Bottom lines
Như vậy thông qua bài viết này, tôi đã chia sẻ cho các bạn về chiến thuật DCA để đầu tư thụ động vào các quỹ chỉ số (Index Fund). Đây là một chiến thuật đầu tư rất đơn giản nhưng hiệu quả mang lại trong dài hạn thì cực kỳ cao.
Mặc dù vậy, không phải mô hình trong quá khứ nào cũng có thể lặp lại trong tương lai. Vì thế, bạn hãy kết hợp chiến lược đầu tư này với việc quản trị danh mục để kiểm soát rủi ro và kiếm được lợi nhuận một cách thực sự bền vững.
Một sô bài viết hay mà bạn có thể đọc thêm:
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của tôi!
Kim,