Kỹ năng đọc sách
Tôi không dám tự nhận mình là một người đọc nhiều sách. Tuy nhiên, với việc đọc từ 10 đến 20 đầu sách mỗi năm, tôi cũng đúc rút ra cho bản thân được một số kinh nghiệm để đọc sách hiệu quả hơn.
Thông qua bài viết này, tôi sẽ tổng hợp và chia sẻ phương pháp đọc sách của tôi tới mọi người.
Trước khi đọc
Bước 1 - Xác định mục đích đọc sách
Trong bộ môn bắn cung, muốn có cơ hội bắn chính xác bia mục tiêu thì các cung thủ phải ngắm và căn mục tiêu rất lâu trước khi họ để cho mũi tên rời khỏi cây cung của mình. Đọc sách cũng giống như vậy, chúng ta phải xác định được mục đích đọc sách của mình trước khi cầm một cuốn sách lên.
Nếu chúng ta cứ vớ bừa một cuốn sách, đọc ngấu nghiến nó mà chẳng ý thức được mục đích của việc đọc đấy là gì thì cũng giống như cầm cây cung lên và nhắm mắt bắn bừa. May mắn thì đọc được đúng cuốn sách chứa những thông tin mà bản thân đang cần, còn nếu không thì sẽ rất tốn thời gian và công sức vào một việc không đem lại hiệu quả cao.
Không những vậy, việc đọc không có mục tiêu sẽ còn khiến chúng ta khó có thể hoàn thành bất cứ cuốn sách nào. Dần dần điều đó sẽ khiến chúng ta mai một đi niềm đam mê đọc sách của bản thân và cũng làm lãng phí đi những kiến thức mà sách đem lại.
Vì vậy, hãy cố gắng xác định mục tiêu mình cần đạt trước khi cầm bất cứ cuốn sách nào lên tay nhé!
Bước 2 - Lựa chọn sách
Hiện tại, chúng ta có thể chọn hàng vạn đầu sách với muôn loại chủ đề phong phú khác nhau. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể lựa chọn đúng đầu sách để đọc sau khi đã xác định được mục tiêu?
Câu trả lời là chúng ta cần: Tạo ra một list các cuốn sách liên quan đến mục tiêu đọc → Tìm hiểu tổng quan nội dung từng cuốn → Lựa chọn ra cuốn có nội dung phù hợp với bản thân nhất.
Đầu tiên, để tạo ra một list các cuốn sách liên quan đến mục tiêu đọc, tôi có một số gợi ý như sau về một số cuốn sách mà bạn có thể đưa vào list:
Những cuốn sách nhận được nhiều lời bình phẩm tốt từ những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực.
Những cuốn sách được nêu tên (recommend/cite) trong một cuốn sách cùng thể loại mà bạn đã từng đọc.
Những cuốn sách có gắn nhãn "best-seller" là những cuốn dễ đọc (vì dễ đọc nên nhiều người mua để đọc → best-seller).
Những cuốn sách được review tốt trên các kênh review sách như các trang thương mại điện tử, các hội nhóm review sách hoặc goodreads.
Tiếp theo, để tìm hiểu tổng quan nội dung từng cuốn, bạn có thể làm như tôi hay làm như sau:
Đọc lời nói đầu để biết cuốn sách nói về chủ đề gì.
Đọc mục lục để nắm các luận điểm chính được đưa ra trong cuốn sách.
Đọc các lời nhận xét, lời bình phẩm để biết tác giả là ai, tác giả là người như thế nào và cuốn sách đó có được đánh giá cao không.
Chọn đọc vài đoạn nhỏ bất kỳ trong một (vài) chương ngẫu nhiên để biết cách tác giả diễn giải cho luận điểm chính mà họ đưa ra.
Như vậy, sau khi hoàn thành hai bước trên, chúng ta đã có một list những cuốn sách mà chúng ta cho rằng là mình nên đọc. Chúng ta cũng đã nắm được tổng quan nội dung của những cuốn sách trong list. Cuối cùng, cuốn sách nào có nội dung phù hợp với bản thân nhất thì chính là cuốn sách mà chúng ta nên lựa chọn để đọc.
Bước 3 - Đảm bảo rằng bản thân bạn thật sự muốn đọc cuốn sách đó
Thực ra thì bước này hơi thừa so với đa số mọi người. Tuy vậy, tôi vẫn chia sẻ thêm một khía cạnh mà tôi hay đánh giá trước khi thực sự đọc một cuốn sách: Cảm xúc.
Hẳn là các bạn cũng biết rằng: Khi chúng ta thực sự yêu thích một việc gì đó, chúng ta sẽ làm việc đó một cách say mê mà không màng đến thời gian và sự mệt mỏi.
Đọc sách cũng vậy, nếu chúng ta thực sự yêu thích cuốn sách mà chúng ta dự định đọc, chúng ta sẽ dễ dàng hoàn thành nó và hấp thụ kiến thức một cách tốt hơn. Và đây là một khía cạnh mà tôi rất để ý trước khi thực sự bắt đầu đọc một cuốn sách.
Hãy chắc chắn rằng cuốn sách mà bạn dự định đọc là một cuốn sách bạn muốn đọc chứ không phải là một cuốn sách bạn cần đọc!
Đọc
Sau khi đã lựa chọn được một cuốn sách để đọc thì dưới đây là cách tôi đọc một cuốn sách.
Bước 4 - Lựa chọn phương pháp đọc phù hợp
Đọc để lấy ý
Đây là phương pháp đọc nhanh, đọc lướt để nắm những luận điểm chính. Với cách đọc này, chúng ta không đọc sâu luận cứ và luận chứng - những lý lẽ và thuyết minh mà tác giả dùng để làm sáng tỏ ý tưởng xuyên suốt cuốn sách - mà chỉ quan tâm đến những luận điểm chính mà thôi.
Có một số tips cho phương pháp đọc này mà tôi hay sử dụng:
Để xa mắt một chút và lướt mắt theo chiều dọc. Có thể dùng một cái bút để dò theo các dòng chữ.
Không đọc lại (hay còn gọi là đọc hồi quy - regression) nếu bị sót chữ hoắc sót nội dung.
Nếu muốn đọc lại, đọc hết cả chương (hoặc cả cuốn) rồi đọc lại sau.
Những cuốn sách tôi hay sử dụng phương pháp đọc này:
Truyện (fiction books).
Sách Self-help.
Sách tiểu sử doanh nhân.
Sách với những kiến thức tôi đã biết (đọc để recap lại kiến thức).
Sách mà tôi đọc lại.
Đọc để hiểu
Đây là phương pháp đọc chậm và hiểu sâu sắc những luận điểm chính. Với cách đọc này, chúng ta sẽ đọc đi đọc lại các luận cứ và luận chứng mà tác giả dùng làm sáng tỏ luận điểm mà chúng ta chưa hiểu (đôi khi những luận cứ/luận chứng này nằm ở chương khác và thậm chí là cuốn sách khác).
Có một số tips cho phương pháp đọc này mà tôi hay sử dụng:
Đọc đến khi nào hiểu thì thôi.
Ghi chép thẳng vào sách (tương tác trực tiếp với kiến thức hay còn gọi là đọc chủ động - active reading). Tôi thường dùng 2 cái bút để note: một bút highlight và một bút bi.
Ngồi đọc đúng tư thế ở trong môi trường sáng phù hợp vì đọc kiểu này rất dễ gây mỏi mắt, mỏi lưng.
Chọn nơi yên tĩnh để duy trì sự tập trung và kiên trì.
Những cuốn sách tôi hay sử dụng phương pháp đọc này:
Sách học thuật (non-fiction books).
Các bài báo khoa học.
Sách chứa những kiến thức mới.
Một số chương của những cuốn truyện có chi tiết hay (nghiền ngẫm để tưởng tượng).
Kết hợp hai kiểu đọc với nhau
Đối với việc đọc nhiều cuốn sách có cùng chủ đề, chúng ta có thể sử dụng phương pháp đọc lấy ý để lướt nhanh qua những phần chúng ta đã nắm chắc và sử dụng phương pháp đọc chậm với những phần kiến thức mới.
Ngoài ra, với bất cứ cuốn sách nào bạn cũng có thể kết hợp hai phương pháp ở trên để đọc theo chiến thuật:
Sử dụng phương pháp đọc lấy ý để scan nhanh toàn bộ cuốn sách để lấy ý tưởng chính rồi sau đó sử dụng phương pháp đọc chậm để hiểu sâu hơn từng phần.
Nếu bạn không thể đọc nhanh thì sao?
Thì đọc chậm thôi! Khả năng hấp thụ kiến thức mỗi người là khác nhau, thế nên bạn không cần phải gò ép mình theo một khuôn khổ mà bạn cảm thấy là không hiệu quả.
Hãy cứ tự trải nghiệm và rút ra cho mình phương pháp đọc tốt nhất và đừng lấy bất kỳ ai làm thước đo cho mình!
Sau khi đọc
Có một vấn đề mà hầu như ai cũng gặp phải đó là việc kiến thức bị rơi rụng sau khi đọc một cuốn sách. Theo the forgeting curve của nhà tâm lý học người Đức Hermann Ebbinghaus, một cuốn sách dù có nhiều ý tưởng hay đến đâu thì chúng ta cũng sẽ quên đi 80% lượng kiến thức chỉ sau 1 tháng.
Để khắc phục vấn đề này, tôi xin phép chia sẻ thêm một số hoạt động sau khi bản thân hoàn thành một cuốn sách:
Bước 5 - Rút ra ba điều bản thân tâm đắc nhất
Não bộ của chúng ta là một tạo tác kỳ diệu khi nó có dung lượng lớn hơn bất kỳ ổ cứng nào trên thế giới. Tuy vậy, tốc độ ghi (write speed) của nó lại khá chậm. Thế nên phương pháp của tôi đơn giản là áp dụng tinh thần của một người theo chủ nghĩa tối giản (Minimalist):
Một cuốn sách có thể có rất nhiều ý tưởng hay. Tuy vậy, nếu chúng ta ôm đồm quá nhiều ý tưởng thì sẽ chẳng có ý tưởng nào đi đến nơi đến chốn. Thay vì vậy, hãy chỉ quan tâm đến 3 ý tưởng mà chúng ta tâm đắc nhất và áp dụng ngay vào cuộc sống.
Khi nào 3 ý tưởng đó mang lại hiệu quả trong cuộc sống thường ngày thì chúng ta lại quay lại rút ra thêm 3 ý tưởng mới và tiếp tục áp dụng vào cuộc sống. Cứ từ từ từng chút một như vậy thì sẽ hiệu quả và nhớ lâu hơn rất nhiều.
Tip: Hãy sử dụng mục lục như một tấm bản đồ để dễ dàng đi tìm những ý tưởng nằm trong cuốn sách!
Bước 6 - Chia sẻ
Bên cạnh việc rút ra các ý tưởng tâm đắc thì chúng ta cũng nên chia sẻ những ý tưởng của cuốn sách với bất kỳ ai mà chúng ta có thể chia sẻ được.
Chia sẻ kiến thức là cách học tập hiệu quả đứng nhất nhì trong các phương pháp học tập hiệu quả nhất. Mỗi một lần chúng ta chia sẻ là một lần chúng ta được review lại những kiến thức. Chia sẻ càng nhiều, chúng ta càng nhớ lâu hơn.
Không những vậy, chia sẻ còn là cách lan tỏa tri thức tới cộng đồng những người xung quanh chúng ta. Và có đi có lại, mọi người xung quanh cũng sẽ sẵn lòng chia sẻ lại với chúng ta những điều mà chúng ta chưa từng biết.
Đối với bản thân tôi thì website này chính là một cách để tôi chia sẻ những kiến thức của mình: vừa để lan tỏa tri thức, vừa để bản thân review lại những tri thức đó.
Bước 7 - Áp dụng
Tất nhiên rồi, học thì lúc nào cũng phải đi đôi với hành thì mới phát huy hiệu quả. Đọc sách cũng chỉ là một cách để chúng ta nâng cao tri thức của bản thân. Để tri thức đó hiệu quả, chúng ta phải áp dụng nó.
Quá trình đọc và học sẽ không kết thúc cho đến khi nào bạn hiểu biết rõ toàn bộ khía cạnh của một vấn đề.
Đọc sách chỉ trao cho bạn cái nhìn trực diện vào một vấn đề, còn thực hành mới thực sự trao cho bạn toàn bộ thông tin về vấn đề đó thông qua các góc nhìn khác nhau. Đọc xong một cuốn sách không phải là kết thúc tiếp thu tri thức mới. Đọc xong một cuốn sách là bắt đầu một quá trình khám phá những khía cạnh khác nhau về tri thức chúng ta vừa mở ra.
Bottom Line
Sách là một "vũ khí" rất lợi hại. Tôi hi vọng rằng với những "bí kíp" mà tôi đã chia sẻ trong bài viết này, các bạn có thể phần nào làm chủ thứ "vũ khí" lợi hại và quyền năng đó.
Và như tôi đã nói thì không có bất kỳ một công thức nào áp dụng được cho tất cả mọi người được. Vì vậy, hãy cứ dũng cảm và tự tìm cho mình một phương pháp đọc phù hợp nhất. Ngay bản thân tôi cũng vẫn đang trau dồi kỹ năng đọc của mình từng ngày, từng ngày một mà thôi.
*Hình ảnh trong bài viết được lấy từ Flaticon
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của tôi!
Kim,
19/05/2021