Kỹ năng hòa giải mâu thuẫn
Mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi trong bất kỳ một mối quan hệ nào. Nó có thể đến từ những khác biệt rất lớn trong quan điểm sống của mỗi người. Và ngược lại, nó cũng có thể xuất phát từ những sự kiện nhỏ khiến chúng ta không thể làm chủ bản thân mà đánh mất đi sự tôn trọng đối với ai đó.
Bất kể bắt nguồn từ lý do gì đi chăng nữa thì việc giải quyết mâu thuẫn luôn là một điều quan trọng. Nó sẽ giúp cho chúng ta ngăn chặn được sự lan rộng của những xung đột và giúp cho chúng ta xây dựng một mối quan hệ bền vững hơn.
Bài viết này sẽ đề cập đến phương pháp giải quyết mâu thuẫn mà tôi hay sử dụng trong cuộc sống của mình, nó gồm 3 bước đơn giản sau:
Bước 1 - Hạ nhiệt cảm xúc
Bước 2 - Ngồi lại nói chuyện
Bước 3 - Cùng tìm giải pháp
Giờ thì chúng ta sẽ đi vào chi tiết từng bước nhé!
Bước 1 - Giữ một khoảng lặng để làm giảm trạng thái cao trào của cảm xúc
Khi xảy ra một mâu thuẫn thì chúng ta sẽ thường lời qua tiếng lại với nhau. Nhớ lại về những lời nói được buông ra khi cãi nhau, hẳn là sẽ có một số lời nói đã khiến chúng ta hối hận khi suy ngẫm lại.
Đó là bởi vì khi cãi nhau, trạng thái cảm xúc của chúng ta không còn giữ được ở vị trí cân bằng. Nó bị xung đột quan điểm giữa đôi bên kích thích và đẩy lên mức cao trào, đưa chúng ta vào trạng thái phòng vệ.
Khi đã bước vào trạng thái phòng vệ này rồi thì chúng ta thường có xu hướng phản ứng tức khắc với những lời nói của đối phương bằng cách nói những lời tiêu cực hoặc thậm chí là đánh trả để tự vệ. Những hành động bộc phát này rất khó để kiểm soát trong trạng thái cảm xúc không ổn định. Và tất nhiên là nó có khả năng gây rạn nứt bất kỳ mối quan hệ nào.
Do đó, khi nhận thức được rằng bản thân đang có xung đột trong một mối quan hệ, hãy hạ bớt cái tôi của bản thân đi một chút và lùi lại phía sau dành cho đôi bên một khoảng thời gian để cùng hạ nhiệt cảm xúc.
Việc dành ra một khoảng lặng sẽ giúp đôi bên:
Tránh được việc bộc phát cảm xúc mà buột miệng những câu nói mang tính xúc phạm, công kích ⟷ Càng hạn chế công kích lẫn nhau thì cơ hội hàn gắn các xung đột càng rộng mở.
Có thời gian suy nghĩ về sự việc ở nhiều chiều hướng hơn ⟷ chúng ta sẽ có không gian để có thể nhìn lại những suy nghĩ của mình và một phần góc nhìn của đối phương.
Bước 2 - Ngồi lại nói chuyện với nhau
Thông thường, khi có xung đột xảy ra giữa các quốc gia thì nhiệm vụ quan trọng bậc nhất là đôi bên phải luôn giữ được kênh ngoại giao một cách thông suốt. Bởi vì khi mà tất cả các kênh đối thoại đều đã đóng lại, thì có lẽ lúc đó chỉ còn súng đạn nói chuyện được với nhau mà thôi.
Việc giao tiếp trong giải quyết mâu thuẫn cũng quan trọng y như vậy. Khi chúng ta còn (chịu) ngồi xuống và nói chuyện với nhau thì mâu thuẫn còn có cơ hội được cởi bỏ. Còn nếu chúng ta chọn cách im lặng, mâu thuẫn nó không bao giờ tự được giải quyết hay biến mất cả, nó sẽ vẫn nằm ở đó và lớn dần lên. Và rồi đến một lúc nào đó, mâu thuẫn sẽ lớn đến mức trở thành một bức tường ngăn cách hoàn toàn mối quan hệ giữa hai bên.
Do đó, sau khi đã dành thời gian để lấy lại cân bằng cảm xúc, mặc dù cái tôi của mỗi cá nhân vẫn còn rất lớn, chúng ta hãy cố gắng tiết chế và ngồi lại nói chuyện với nhau.
Việc nói chuyện sẽ không phải là một điều thoải mái, dễ chịu gì cả. Tuy nhiên, nó sẽ giúp đôi bên hiểu được góc nhìn của nhau hơn. Từ đó tạo tiền đề cho việc cởi bỏ những nút thắt và giúp cho chúng ta giải quyết mâu thuẫn một cách tốt hơn.
Bước 3 - Cùng tìm ra hướng đi hợp lý cho đôi bên
Cuối cùng, sau khi đã ngồi lại nói chuyện và hiểu được các góc nhìn của nhau. Hãy cùng đưa ra những hướng đi hợp lý để giải quyết mâu thuẫn cho cả đôi bên.
Tất nhiên là trong thời gian mâu thuẫn, ai cũng đều có những lý do "chính đáng" để bảo vệ cho quan điểm của riêng mình. Tuy vậy, nếu cứ chỉ tập trung đến những suy nghĩ của bản thân mà quên đi giá trị của một mối quan hệ thì việc tìm ra tiếng nói chung sẽ chỉ có thể đi vào ngõ cụt mà thôi.
Tôi thường xử lý vấn đề trên bằng cách tự hỏi bản thân một câu hỏi quan trọng, đó là "Tôi có thực sự muốn giữ mối quan hệ này không?".
Chỉ với một câu hỏi trên, tôi đã cho phép mình một cơ hội đánh giá lại toàn bộ những khía cạnh khác nhau trong mối quan hệ của mình:
Giá trị mà mối quan hệ đó đã đem lại cho cả đôi bên là gì?
Mâu thuẫn hiện tại giữa đôi bên có đáng để đánh đổi mối quan hệ đó không?
Có cách nào để vừa xử lý được mâu thuẫn, vừa giữ được mối quan hệ hay không?
...
Sau khi tự vấn bản thân, nếu đó là một mối quan hệ có giá trị cho cả đôi bên và mâu thuẫn đang tồn tại chỉ là một vấn đề nhỏ có thể giải quyết thì chúng ta hãy cố gắng cùng nhau đi đến những thỏa thuận chung.
Mỗi người chịu nhường nhịn nhau một chút có thể làm cho mỗi cá nhân bị chịu thiệt một số thứ, nhưng bù lại, chúng ta giữ lại được những giá trị tốt đẹp của một mối quan hệ đáng giá.
Tôn trọng góc nhìn của người khác và thẳng thắn thừa nhận những lỗi sai của bản thân là những điều nên làm nếu bạn thực sự muốn giữ một mối quan hệ.
Ngược lại, nếu sau khi đã nhìn nhận lại một cách kỹ lưỡng, chúng ta vẫn thấy rằng đó là một mối quan hệ không đem lại nhiều giá trị và mâu thuẫn giữa hai bên là một mâu thuẫn quá lớn không thể có tiếng nói chung được nữa thì có lẽ lúc đó... sự chấm dứt sẽ là một lựa chọn đem lại tự do cho cả đôi bên.
Bottom lines
Trong cuộc sống, mâu thuẫn mối quan hệ là điều không thể tránh khỏi. Tuy vậy, bằng cách quản trị cảm xúc, thấu hiểu và giao tiếp, chúng ta hoàn toàn có thể cùng nhau xử lý những vấn đề và xây dựng các mối quan hệ một cách bền vững hơn.
Hi vọng rằng với những chia sẻ của tôi trong bài viết này, bạn sẽ hoàn thiện các kỹ năng của bản thân mình hơn và xây dựng được cho mình những mối quan hệ thật giá trị với những người xung quanh!
*Hình ảnh trong bài viết được lấy từ Flaticon
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của tôi!
Kim,