kimpa website logo kimpa.xyz

6 lỗi giao tiếp cơ bản cần tránh

Sau khi đọc một số cuốn sách và bài blog về kỹ năng giao tiếp, tôi nhận ra có một số lỗi giao tiếp cơ bản mà mọi người hay mắc phải trong cuộc sống hàng ngày (trong đó có tôi).

Bài viết này sẽ liệt kê 6 lỗi giao tiếp thường gặp và những phương pháp để khắc phục chúng:

Luôn phủ định ý kiến người khác

Bạn cảm thấy ra sao nếu trong một cuộc nói chuyện, tất cả các ý kiến bạn đưa ra đều bị người khác phản bác? - Tôi đoán là chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy tương đối khó chịu.

Chăm chăm phủ định (hay phản bác) ý kiến người khác là một lỗi giao tiếp thường gặp ở những người có cái tôi cao. Khi mắc phải lỗi giao tiếp kiểu này, người đối diện sẽ có xu hướng muốn sớm kết thúc cuộc trò chuyện vì các ý kiến của họ không nhận được sự tôn trọng tương xứng.

Ngoài ra, kiểu giao tiếp này còn rất dễ gây đến những bất đồng và các tranh cãi không đáng có.

Phương pháp khắc phục: Trước khi phán xét, hãy lắng nghe toàn bộ câu chuyện của người đối diện. Nếu bạn muốn chỉ ra cho người đối diện rằng quan điểm của họ là sai, hãy nêu ra quan điểm của bạn và để họ tự hiểu.

Nói quá nhiều về bản thân

Nói quá nhiều về bản thân và không cho người khác cơ hội để tham dự vào câu chuyện của bạn tức là bạn đang ra một dấu hiệu rằng: "Tôi không quan tâm đến câu chuyện của người khác".

Cũng giống như việc luôn phủ định ý kiến người khác, áp đảo cuộc giao tiếp bằng những câu chuyện của bản thân được xem là không coi trọng lời nói của người khác. Từ đó vô tình tạo ra một rào cản khiến người đối diện muốn sớm kết thúc cuộc trò chuyện và không có hứng thú bắt chuyện với bạn trong tương lai.

Phương pháp khắc phục: Chúng ta có 2 đôi tai và 1 chiếc miệng - hãy sử dụng tỷ lệ đó vào những cuộc trò chuyện - tức là lắng nghe 2 điều trước khi nói 1 lời. Điều đó sẽ cho người khác thấy bạn quan tâm đến những câu chuyện của họ và khiến bạn trở thành một người hấp dẫn hơn trong mắt họ.

Ngắt lời người khác

Lỗi giao tiếp này xảy ra với hầu hết mọi người, đặc biệt là trong 2 trường hợp sau:

Ngắt lời người khác là một hành động tương đối bất lịch sự và mức độ bất lịch sự của hành động này còn tùy thuộc vào từng hoàn cảnh khác nhau của cuộc trò chuyện. Dù mức độ bất lịch sự là nặng hay nhẹ đi chăng nữa, hầu hết mọi người đều không có hứng thú nói chuyện với một người lúc nào cũng ngắt lời người khác.

Phương pháp khắc phục: Giữ kỷ luật bản thân để cho người khác nói xong thì mới xen lời của bản thân vào.

Nói quá nhiều những điều tiêu cực

Ngôn ngữ có thể truyền năng lượng tích cực (và cả tiêu cực) tới những người xung quanh. Hàng ngày, chúng ta đã bị bao vây bởi quá nhiều điều tiêu cực từ báo đài, từ những áp lực trong gia đình và từ công việc. Bạn nghĩ liệu mọi người còn có chỗ chứa để nạp thêm những thông tin tiêu cực từ chúng ta nữa không?

Việc suốt ngày kể lể và kêu ca những nổi khổ của bản thân tiêu hao rất nhiều năng lượng của cả người nghe lẫn người kể. Nó không những không giúp bạn giải quyết được các vấn đề của mình mà còn vô tình tạo ra bức tường ngăn cách giữa chính bạn và người khác.

Phương pháp khắc phục: Chỉ nói về những điều tiêu cực khi người khác sẵn sàng lắng nghe. Còn nếu không, hãy tập thói quen nói về những điều tích cực để nâng cao tinh thần của chính mình và những người xung quanh.

Sử dụng điện thoại trong khi giao tiếp

Việc sử dụng điện thoại trong khi giao tiếp đồng nghĩa với việc bạn đang đưa ra một thông điệp ngầm rằng: "Những cuộc trò chuyện online và những thông tin trong điện thoại của tôi quan trọng hơn cuộc nói chuyện tôi đang có với bạn".

Đây là lỗi giao tiếp sinh ra trong thời đại smartphone đi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Chính vì tầm quan trọng của smartphone và thói quen sử dụng smartphone trong thời gian dài đã khiến chúng ta coi nhẹ và xem thường lỗi giao tiếp này.

Phương pháp khắc phục: Đơn giản là khi nói chuyện với người khác, tắt điện thoại và cất đi.

Không tập trung lắng nghe

Điều này thường xảy ra khi có một điều gì đó bất chợt thu hút bạn trong lúc bạn đang nói chuyện. Đó có thể là một người hấp dẫn hơn, đó cũng có thể là vì người đang giao tiếp với bạn quá tẻ nhạt,...

Việc bạn không để tâm đến nội dung người đối diện muốn truyền tải là một hành động vô tình làm mất thể diện của người khác. Cũng giống như những lỗi giao tiếp đã kể trên, không tập trung lắng nghe người nói sẽ khiến bạn trở thành một người kém hấp dẫn hơn trong mắt người khác.

Phương pháp khắc phục: Nếu không muốn trò chuyện nữa, hãy tập trung lắng nghe nốt những điều người đối diện đang nói và lịch sự xin phép họ đi ra chỗ khác. Hãy cho thấy rằng bạn là một người chuyên nghiệp và tôn trọng lời nói của mọi người xung quanh.

Bottom lines

Chúng ta thường nhận lại những gì mà chúng ta cho đi. Nếu chúng ta thể hiện mình là một người giao tiếp chuyên nghiệp và tôn trọng người đối diện thì mọi người cũng sẽ có xu hướng tôn trọng những khoảnh khắc họ giao tiếp với chúng ta.

6 lỗi giao tiếp cơ bản được đề cập trong bài viết này là những lỗi giao tiếp mà chúng ta rất hay mắc phải trong cuộc sống hàng ngày. Hi vọng cùng với những phương pháp khắc phục mà tôi đề cập tới, chúng ta sẽ hạn chế được các lỗi giao tiếp này trong tương lai và trở thành một người nói chuyện hấp dẫn hơn.


Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của tôi!

Kim,

15/01/2023